xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2023): Nhiều bài học quan trọng từ sự lãnh đạo của Đảng

ThS DƯƠNG THÀNH THÔNG, Phó trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH & NV TP HCM

Những bài học rút ra từ thực tiễn 93 năm qua là hành trang quan trọng để Đảng tiếp tục tự làm mới mình, đạo đức hơn, văn minh hơn, xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo đất nước

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt trong phong trào dân tộc dân chủ của nước ta những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Phụng sự Tổ quốc và nhân dân

Ra đời trên cơ sở của những yêu cầu bức thiết về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào giải phóng dân tộc, ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ mục tiêu và sứ mạng của "đội tiên phong dũng cảm và đội tham mưu sáng suốt", luôn "tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân", "trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc", do vậy mà "ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác" 1.

Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là tổ chức Đảng đầu tiên ra đời với mục đích giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Từ sau thất bại của ngọn cờ "Cần Vương", phong trào yêu nước ở Việt Nam tiếp tục sôi động với sự xuất hiện của nhiều xu hướng cứu nước mới dưới ảnh hưởng của những làn gió tư tưởng dân chủ tư sản đầu thế kỷ XX. Nhiều phong trào với chủ trương thành lập các tổ chức đảng để lãnh đạo như: Đảng Lập hiến Đông Dương (1923), Thanh niên Cao vọng Đảng (1923), Việt Nam Quốc dân Đảng (1927), Tân Việt Cách mạng Đảng (1928)…. Hầu hết trong số đó dù đã xác định mục tiêu đấu tranh và biện pháp thực hiện để đánh đuổi thực dân Pháp song kết quả đều thất bại. 

Nguyên nhân chính là do những tổ chức này chưa tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, chưa đại diện cho tiếng nói và lợi ích của đại bộ phận quốc dân đồng bào.

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2023): Nhiều bài học quan trọng từ sự lãnh đạo của Đảng - Ảnh 1.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam Ảnh: PHẠM CƯỜNG

Khác với các tổ chức đảng ra đời trước, Đảng Cộng sản Việt Nam - ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2-1930) - đã khẳng định: Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, "phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng"; "phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày"; đồng thời phải "hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt,… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"2.

Với nền tảng cương lĩnh đó, "từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"3.

Đảng phải luôn xây dựng và chỉnh đốn

Trong lịch sử hơn 90 năm của Đảng, nhiều bài học quan trọng đã được đúc rút. Đó là Đảng phải luôn gắn bó máu thịt với dân, lấy dân làm gốc, lấy lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc làm mục tiêu duy nhất. 

Bài học từ trong lịch sử đã chỉ rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; chỉ khi nào được quần chúng tin tưởng, ủng hộ, cùng chung tay thực hiện thì sự nghiệp ấy mới có thể thành công. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, nhấn mạnh yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải gần dân, trọng dân, học dân, thật thà trước dân và yêu dân, bởi "những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại dương nhân dân"4. 

Trong giai đoạn hiện nay, bài học này càng thêm ý nghĩa bởi - nói theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - "trong hoàn cảnh lịch sử mới… mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi mới cao hơn và đứng trước thử thách mới rất phức tạp"5.

Đồng thời, Đảng phải luôn dựa trên thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn khách quan làm thước đo hiệu quả hoạt động. Thực tế lãnh đạo của Đảng trong mấy mươi năm qua cho thấy đây là bài học quan trọng, cần phải luôn được nhắc nhở. 

Trong giai đoạn hiện nay, những biểu hiện của tư tưởng chủ quan, duy ý chí vẫn bộc lộ, gây tác động đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 30-10-2016 cũng chỉ rõ một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đó là: "Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác".

Đảng phải luôn xây dựng và chỉnh đốn, xem đó là công việc thường xuyên, liên tục. Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng" và "phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". 

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của Đảng. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa". Đây là một công việc khó, phức tạp, không thể làm được trong ngày một ngày hai, nhưng không thể không làm, vì nó "liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ".

Chủ động nắm bắt thời cơ

Bên cạnh đó, Đảng phải luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, xem đó là yêu cầu khách quan để nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu. Thực tiễn đất nước và thế giới đang biến đổi hằng giờ, hằng ngày, nên yêu cầu của đổi mới phương thức lãnh đạo là yêu cầu tối quan trọng nếu như không muốn "tự phủ định mình". Tất nhiên, sự đổi mới ấy phải dựa trên việc thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. 

Từ Đại hội VII, Đảng đã đề cập "đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo", xác định đây là một trong những "vấn đề quan trọng và bức xúc". Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Ngoài ra, bài học về thời cơ vẫn luôn hiện hữu và sinh động. Từ trong lịch sử, những bài học về thời cơ và nắm bắt thời cơ đã được Đảng đúc kết để vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước lớn mạnh và lãnh đạo cách mạng thắng lợi trong những thời khắc quyết định. 

Hiện nay, khi thế giới ngày càng xích lại bởi tác động của "toàn cầu hóa", sự xuất hiện và mất đi của thời cơ ngày càng diễn biến nhanh chóng, đòi hỏi Đảng phải kịp thời nắm bắt và tận dụng. Sự chuẩn bị tốt về nội lực và nền tảng quốc gia là điều kiện để chủ động nắm bắt thời cơ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một toàn diện và sâu rộng.

93 mùa xuân lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn nỗ lực để xứng đáng với vai trò là "Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam". Những bài học rút ra từ thực tiễn 93 năm qua là hành trang quan trọng để Đảng tiếp tục tự làm mới mình, đạo đức hơn, văn minh hơn, xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo nhà nước và xã hội. 

Xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước

Không phải không có những sai lầm, hạn chế, khuyết điểm trong thực tiễn lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 90 năm qua, song với tinh thần: "Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình", "phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên"6, Đảng đã luôn tự xây dựng và chỉnh đốn để xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước.

1 Bài viết "Phải theo đúng kỷ luật của Đảng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân số 217 (từ ngày 22 đến ngày 24-8-1954 (bút danh "C.B").

2 Sách lược vắn tắt của Đảng (thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930).

3 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4 V.I. Lênin (1978): Toàn tập (tập 45), Nxb. Tiến bộ, Moskva, tr.117.

5 Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 27-5-2016 tại Hà Nội.

6 Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947 (bút danh X.Y.Z).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo