PGS-TS Trương Thanh Hương - giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, chuyên gia tim mạch tại Viện Tim mạch, Bệnh viện (BV) Bạch Mai - đã có gần 40 năm cứu người.
Học tập không ngừng
38 năm trước, PGS Trương Thanh Hương trở thành bác sĩ (BS) Khoa Tim mạch khóa đầu tiên của Trường ĐH Y Hà Nội. Hồi đó, bà và nhiều đồng nghiệp "cắm chốt" ở BV hầu như 24/24 giờ. Cứ nghe có ca nào đặc biệt là bà lại tới thăm khám, khai thác thông tin. Lúc ấy, bà không hề thấy mệt mỏi mà chỉ có niềm đam mê, mong muốn được học hỏi và đương đầu với những thử thách, khó khăn nhất.
Tốt nghiệp BS nội trú với số điểm cao, BS Trương Thanh Hương trở thành giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, sau đó được cử đi tu nghiệp về tim mạch học lâm sàng và siêu âm doppler tim tại ĐH Paris VI, BV Saint-Antoine Paris, rồi tu nghiệp về tim bẩm sinh tại BV Robert Debre.
Về nước, trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, PGS Trương Thanh Hương nhận ra một vấn đề "thời đại". Năm 1995, vấn đề rối loạn lipid và tăng huyết áp không được y học trong nước quan tâm như bây giờ, hiếm bệnh nhân, lại thiếu thốn các thiết bị, phương tiện chẩn đoán. Thực tế tu nghiệp của bà và số liệu thống kê của nhiều nước phát triển cho thấy sau khi kết thúc chiến tranh, số bệnh nhân có bệnh lý tim mạch do tăng huyết áp, lipid máu tăng lên bởi chế độ ăn uống tốt và ít vận động hơn. Điều này thôi thúc bà nghiên cứu và theo đuổi đề tài này cho đến nay.
PGS-TS-BS Trương Thanh Hương bận rộn với công việc nghiên cứu, giảng dạy và chữa bệnh cứu người
Hơn 20 năm qua, mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và tăng huyết áp đã được khẳng định qua thực tiễn điều trị. Đến nay, xét nghiệm lipid máu đã trở thành xét nghiệm thường quy và cơ bản cho mỗi bệnh nhân trung niên khi đến viện.
Năm 2020, công trình nghiên cứu "Xây dựng bản đồ đột biến gien bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" do PGS Trương Thanh Hương làm chủ nhiệm đã chính thức được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy xác nhận.
Công trình xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sở y tế. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam, đã thực hiện giải trình tự gien thành công cho gần 130 người, trong đó hơn 60 người được phát hiện có đột biến gien gây bệnh. Đến nay, công trình đã sàng lọc được cho hàng ngàn người có nguy cơ mắc bệnh.
"Người tham lam"
PGS Trương Thanh Hương tự nhận mình là người "tham lam". Bà tham tri thức, tham học hỏi. Bà bận rộn đảm đương cùng lúc 3-4 vai, vừa khám chữa bệnh tại Viện Tim mạch - BV Bạch Mai vừa giảng dạy tại Trường ĐH Y Hà Nội, lại không ngừng tham gia nghiên cứu.
PGS Trương Thanh Hương đã chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến trong thăm dò, chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch cho hàng trăm BS, nhân viên y tế. Bà cũng là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các nghiệp đoàn khoa học lớn trên thế giới. Từ những kết nối quan trọng đó, nhiều BS, nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận, học tập và phát triển năng lực trong môi trường quốc tế, là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực khoa học của Việt Nam.
Về những dự định của bản thân, PGS Trương Thanh Hương chỉ mong có sức khỏe, tinh thần tốt để đi mãi con đường đã chọn. "Tôi không nghĩ nghề của mình vất vả vì nghề nào cũng cao quý, cũng có những khó khăn, nguy hiểm riêng. Nhưng tôi được ngày đêm ở bên người bệnh, có được sự tin yêu của họ đã là thành quả hết sức đáng quý" - bà chia sẻ.
Cũng có lúc PGS Trương Thanh Hương mệt mỏi, gặp chuyện phiền chán nhưng các bệnh nhân đã tiếp cho bà nghị lực. Nghe bệnh nhân tâm sự về khó khăn, đau khổ mà họ đang trải qua, bà lại thấy mình may mắn biết bao nhiêu, rằng những khó khăn của mình quá nhỏ bé. Đặc biệt, bà quan niệm chính kiến thức chứ không phải những bộ váy áo, những món đồ trang sức lộng lẫy mới khiến phụ nữ trở nên xinh đẹp hơn trong mắt mọi người.
Trong căn phòng làm việc tại Viện Tim mạch, bức ảnh gia đình được bà đặt ngay ngắn ngay trên bàn làm việc. Chồng bà từng là bạn học cùng lớp ở Trường ĐH Y Hà Nội. Gia đình bà là "gia đình BS" khi chồng phẫu thuật thần kinh tại BV Việt Đức, còn 2 người con cũng theo đuổi đam mê ngành y như bố mẹ. Mỗi người đều quay cuồng trong công việc, bận rộn cứu chữa bệnh nhân. Thế nhưng, nhờ có tiếng nói chung nên mọi người đều hiểu, cảm thông và động viên nhau.
"Chúng tôi có cùng đam mê, cùng kiến thức trong một lĩnh vực nên mỗi thành viên đều có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Thành ra, mỗi khi nói chuyện là cả nhà lại chí chóe, vô cùng sôi nổi" - PGS Trương Thanh Hương tự hào.
Sáng 5-3, PGS-TS-BS Trương Thanh Hương được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 ở hạng mục cá nhân.
Giải tập thể năm nay thuộc về tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với lĩnh vực chính là nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học từ thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật) và ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Đây là năm thứ 35, Giải thưởng Kovalevskaia được triển khai nhằm tôn vinh những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Bình luận (0)