xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ tích vắc-xin dịch tả heo châu Phi

Ngọc Ánh - Hải Yến

Trong 3 doanh nghiệp Việt tiên phong, hiện vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco đã được phép lưu hành thương mại

Đây là sự kiện lịch sử, ghi nhận nỗ lực của ngành thú y, các doanh nghiệp (DN) và các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF). Điều này góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi heo phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, có khả năng xuất khẩu thực phẩm và vắc-xin ASF.

Giá dự kiến 34.000-36.000 đồng/liều

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên heo, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên heo, có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo. Bệnh gây tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Đã hơn 100 năm qua kể từ khi ASF được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến ASF và phát triển vắc-xin của các nhà khoa học được công bố nhưng trên thế giới chưa có vắc-xin thương mại phòng bệnh ASF.

Bệnh ASF lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam tháng 2-2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy hơn 6 triệu con heo, thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng. Đến nay, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. "Ngay từ khi bệnh ASF xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, tổ chức nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng bệnh. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các DN có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm phối hợp với các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Mỹ tiếp nhận giống virus vắc-xin, công nghệ và nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vắc-xin ASF. Đến nay, Việt Nam là nước tiên phong trên thế giới có vắc-xin thương mại phòng bệnh ASF" - Bộ NN-PTNT thông tin.

Về quá trình sản xuất vắc-xin ASF, ông Lê Toàn Thắng, Trưởng Phòng Quản lý thuốc - Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết cột mốc đầu tiên là sự kiện các nhà khoa học Mỹ công bố nghiên cứu thành công chủng virus ASF nhược độc cắt gien vào tháng 11-2019 và Việt Nam đã gặp trực tiếp với các chuyên gia Mỹ để bàn về việc phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc-xin ASF. Từ tháng 2-2020, việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Mỹ. Từ tháng 7-2020, Bộ NN-PTNT chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus ASF nhược độc cắt gien dùng để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng chống bệnh ASF tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 3 DN tiên phong, có đủ tiềm lực, đầu tư nghiêm túc để nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin ASF; bao gồm: Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Navetco), Công ty TNHH MTV AVAC, Công ty CP Tập đoàn Dabaco. Trong đó, vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco đã được phép lưu hành thương mại, vắc-xin của 2 công ty còn lại dự kiến sẽ được cấp phép lưu hành từ nay đến cuối năm 2022.

Kỳ tích vắc-xin dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Vắc-xin phòng ASF giúp ngành chăn nuôi heo phát triểnẢnh: Ngọc Ánh

"Trên tinh thần thận trọng bởi đây là vắc-xin ASF thương mại đầu tiên trên thế giới nên NAVET-ASFVAC sẽ tiếp tục được giám sát sử dụng sau khi cấp giấy phép lưu hành. Giai đoạn 1, sử dụng vắc-xin NAVET-ASFVAC ở diện hẹp với số lượng vắc-xin dự kiến được phép sử dụng 600.000 liều. Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng, Cục Thú y báo cáo Bộ NN-PTNT chỉ đạo sử dụng vắc-xin ở phạm vi toàn quốc" - ông Thắng nói. Ông Thắng cũng nhận xét các DN tham gia sản xuất vắc-xin ASF đã đầu tư mạnh mẽ để quyết tâm có vắc-xin ASF thương mại, trong đó có việc mua bản quyền giống vắc-xin từ Mỹ. Với giá vắc-xin dự kiến từ 34.000-36.000 đồng/liều (mỗi con heo được tiêm 2 liều) được đánh giá là "rẻ" so với dự kiến, phù hợp với chăn nuôi của Việt Nam.

Người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco, cho biết trong giai đoạn đầu tiên, công ty ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước, sau đó sẽ có kế hoạch xuất khẩu.

"Các nước rất cần vắc-xin nhưng khi xuất khẩu chúng ta phải làm việc với các đối tác để thử nghiệm tại nước sở tại, điều này cần có thời gian. Dự kiến sau khi 1-2 năm ổn định trong nước, chúng tôi sẽ làm việc với đối tác nước ngoài để xuất khẩu" - ông Hạnh cho hay. Cũng theo ông Hạnh, công ty có quy mô sản xuất trên 50 triệu liều/năm. Về quá trình thử nghiệm, ông Hạnh cho biết công ty đã thực hiện tại 5 trại heo lớn tại tỉnh Đồng Nai, huyện Củ Chi (TP HCM) và tỉnh Vĩnh Phúc với 8.445 liều tiêm cho heo từ lứa tuổi 15 ngày đến heo thịt. Qua quá trình thử nghiệm, kết quả tốt ở heo từ 8-10 tuần tuổi. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay một số trang trại hội viên đã tham gia thử nghiệm vắc-xin ASF từ 1 năm nay với kết quả rất tốt nên người chăn nuôi rất kỳ vọng. Ở góc độ người chăn nuôi, hội cũng là một trong những đơn vị được thử nghiệm với gần 6.000 liều.

Hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết từ năm 2021 hội đã cùng tham gia thử nghiệm vắc-xin với công ty và đạt kết quả tốt (hơn 90%) trên heo con từ 2 tuần tuổi an toàn đến ngày xuất bán. Đây là một trong những điều kỳ vọng của ngành chăn nuôi. Bởi, vắc-xin đạt hiệu quả tốt sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn sản xuất. Trước đó, năm 2019-2020, có thời điểm giá heo hơi tăng vọt lên 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do số lượng heo tụt giảm vì dịch bệnh. 

Chuẩn bị tiêu hủy virus gây dịch tả trâu, bò

Ngày 1-6, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cùng Tổ chức Thú y Thế giới đã công bố kế hoạch tiêu hủy virus Rinderpest, tác nhân gây dịch tả trâu, bò, trong phòng thí nghiệm của Việt Nam. Sau khi virus này được loại bỏ hoàn toàn khỏi vật chủ tự nhiên và động vật hoang dã, một số phòng thí nghiệm trên thế giới vẫn giữ lại nguồn virus gây dịch tả trâu bò, bao gồm virus thể hoang dại, các chủng giống vắc-xin và nguồn vắc-xin đã được sản xuất. Tuy nhiên, nguồn virus vẫn còn được lưu giữ tại các phòng thí nghiệm tại 5 nước châu Á, trong đó có Việt Nam và một nước châu Phi. Từ ngày 1 đến 9-6, một đoàn công tác của FAO sẽ tới các phòng thí nghiệm của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương tại TP HCM và Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I tại Hà Nội, để triển khai các hoạt động tiêu hủy.

T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo