Chị tôi bạo bệnh, mới mất hôm 14-9 ở huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Cả nhà đã chuẩn bị tang lễ đâu vào đó, chỉ mỗi việc có báo tin cho gia đình ngoài Quảng Bình hay không là cứ phân vân mãi.
Bỏ làng mà đi
Chị là dâu cả của một nhánh họ nên mất thì đưa về nơi chôn nhau cắt rốn cho ấm cúng với ông bà tiên tổ, không thì cũng báo tin cho anh em thân thích vào thăm viếng. Nhưng cả hai việc đều không thể làm vì lúc ấy, ngoài quê đang đứng ngồi không yên do dồn dập tin siêu bão số 10.
Khổ thế! Người chết tận trong Nam còn khổ lây vì bão...
Anh chị tôi cùng cả ngàn hộ gia đình trong xã từ hạ nguồn sông Gianh, tỉnh Quảng Bình vào Bù Đốp lập nghiệp những năm 1980-1985. Đấy là cuộc di dân, nói đúng hơn là bỏ làng mà đi, lớn thứ hai trong lịch sử quê tôi.
Làng quê tan hoang sau bão Ảnh: QUANG VŨ
Lần di dân thứ nhất là cái đận năm 1945. Bô lão làng tôi còn nhớ lúc ấy đói đến độ không thể đói hơn được nữa. Chẳng kiếm ra thứ gì để có thể ăn qua ngày, kể cả trái cây như mít trên rừng, vậy là rủ nhau rời làng. Làng bỗng vắng hoe như vừa qua đại họa.
Nhưng rời làng đi đến đâu cũng gặp đói. Rốt cuộc, họ kéo nhau lầm lũi vượt rừng, đến đâu thì đến. Đến Lào, ai tơi tả quá phải rớt lại, ai còn sức thì sang tận Thái Lan. Sáu, bảy chục năm rồi, có người nay đã giàu có nhưng đã già, không còn sức để về thăm quê dù chỉ mong đi một lần cuối. Sợi dây gắn kết bây giờ họa hoằn chỉ nhờ ở lớp trẻ nghe lời cha mẹ mang hàng, quà về cứu trợ sau mỗi lần quê hương bão lũ.
Còn cái lần thứ hai ồ ạt bỏ làng mà đi là sau thảm họa của bão chồng lũ. Dạo ấy, chúng tôi đã mười tám, đôi mươi nên rất rõ. Ấy cũng là từ một cơn siêu bão. Bấy giờ, mấy ngàn hộ dân quê tôi chưa nhà nào có tivi. Điện thoại di động hay internet thì trong tưởng tượng cũng chưa nghĩ đến. Tất tật chỉ nghe ngóng tin tức từ radio nhưng cứ thời tiết xấu là lõm bõm câu được câu mất. Thế nhưng, ông già bà lão ở quê tôi thì chỉ nhìn đám chuồn chuồn bay, nhìn đàn kiến lũ lượt kéo nhau rời tổ là đã biết trước đại họa. Biết trước thì cũng chẳng làm được gì hơn ngoài việc chằng chống nhà cửa. Song, mây to như cán dao dài hàng chục mét cắt từ rừng đại ngàn, tre gai từ vườn chẻ nhỏ xoắn thành dây níu hết nóc nhà rồi kèo cột vào với cây cối trong vườn.
Những ngày đón bão, không khí lúc căng thẳng, khi u ám, người người nhấp nhổm. Những thứ chuẩn bị để phòng không chết đói lúc bão lũ đựng suốt năm trong chum, lu, vại được dịp bới ra sẵn sàng. Ấy là khoai lang luộc thái lát phơi khô, gọi là khoai gieo. Ấy là muối, là đậu phụng nhân, thêm ít can nước ngọt. Đã bão lụt thì không ai hy vọng vào chuyện nấu nướng, có gạo đầy lu lắm khi cũng ngồi nhìn chịu đói.
Nhưng rồi cũng chẳng thấm tháp vào đâu trước sức cuồng nộ của siêu bão. Bão tràn vào chỉ đúng một đêm là sông Gianh cuộn sóng, dốc hết nước vào làng. Sóng biển dâng cao, dội ngược vào sông Gianh khiến nước từ thượng nguồn đổ vào quê tôi như cái bể chứa. Những nóc nhà chới với, loi nhoi trên biển nước bạc băng băng rồi chìm dần. Bất lực. Rác, củi, cây từ thượng nguồn theo dòng nước phăm phăm trút về.
Anh chị tôi kéo 3 đứa con nhỏ kịp leo lên ngọn duối cổ thụ cuối cùng còn sót lại gần nhà rồi dầm mưa chịu đói trên đó suốt mấy hôm liền. Xuồng cứu hộ cũng không dám mạo hiểm xông vào cứu.
Cho đến khi cứu hộ vào được đến nơi thì cả nhà anh tôi đã không nói ra hơi, vợ chồng con cái đã cột chân tay níu vào nhau phòng lỡ có chết thì còn cùng tìm ra xác. Trâu bò, gà vịt, chó mèo theo nước trôi sạch. Đến cái bàn thờ đóng như cái sập để trên thờ dưới đựng đồ, nặng hàng trăm cân, nghe nói đã có từ vài đời - là đôi ba trăm năm - cũng bị nước cuốn đâu mất. Lũ rút, người ta bới rác cả tháng trời mới nhìn ra làng, ra xóm, mới biết có lắm người chết vùi trong đó.
Trong cơn bão Ảnh: Trung Sơn
Ấy là bão chồng lũ. Bão hay siêu bão nghe đã rợn người nhưng bão chồng thêm lũ thì nhiều làng quê cầm chắc xóa sổ.
Hoảng loạn, kinh hoàng đến độ chỉ nghe tin có đợt nhà nước cho dân đi kinh tế mới vào Nam là mọi người ào ào đăng ký. Cán bộ cũng đi mà dân cũng đi. Ai còn cày cuốc được là bồng bế con đi, cũng chẳng biết đến nơi mới là sướng hay khổ nhưng cứ nghe nói sẽ có trợ cấp gạo, có đất, có nhà ở thế là chắc sống rồi.
Tất cả lên xe không cần biết ngày về. Làng tôi lại một lần nữa hiu hắt từ cuộc ly hương rầm rộ này. Có đận, cả làng chỉ còn toàn ông già bà lão, đến độ Đảng ủy xã tìm mãi vẫn không còn ai trong độ tuổi chuẩn để năn nỉ làm giùm cái chức bí thư xã đoàn.
Thoát đói lại nghĩ về quê
Dân quê tôi ra đi, một số được đưa vào Tây Nguyên, một số vào Thuận Hải (cũ), đông nhất là vào Bù Đốp. Tất thảy đều là nơi rừng xanh núi đỏ, sốt rét kinh người. Nhiều người vừa thoát đói nhưng không thoát nổi bàn tay ma quái của sốt rét.
Bù Đốp dạo ấy mới sau chiến tranh biên giới Tây Nam nên gần như hoang vắng, chỉ thấy mênh mông thứ cỏ Mỹ, muỗi đầy rẫy trong các rừng cao su còn sót lại từ thời Mỹ ngụy. Kinh nhất là loài rắn bò ngoạp suốt ngày nằm im, thoi loi dưới gốc cao su chỉ chờ chân người thoáng qua là đớp nhanh như chớp. Đi rẫy, đi rừng, vướng phải rắn bò ngoạp thì coi như xong đời.
Nhưng được cái Bù Đốp không lụt, không bão mà đất đai mật mỡ, có trồng là có ăn nên cứ làm siêng là dứt đói. Chỉ vài ba năm trên vùng quê mới, dân làng tôi nhiều người thoát đói, đã muốn san sẻ về quê mỗi khi lụt bão.
Khổ nỗi, dạo ấy còn bao cấp, còn cảnh ngăn sông cấm chợ nên gạo, đậu xanh, tiêu, điều chất đầy nhà mà muốn bán cũng chẳng biết bán cho ai, muốn gửi về quê cũng không mang được. Nhớ năm 1986, tôi lên Bù Đốp thăm anh chị. Ra về, anh chị gửi mấy ký tiêu và nếp làm quà, xe rời Bù Đốp đâu có vài trăm mét đã bị quản lý thị trường thu giữ vì cho là buôn lậu.
Bây giờ thì thoáng rồi, có mang hàng tấn gạo, tiêu, điều công khai đi giữa đường cũng chưa chắc đã ai hỏi, bị tịch thu vì nghi buôn lậu thì chắc chắn là không. Nông sản từ Bù Đốp nhờ đó đã quy được thành tiền để con cháu gửi về quê nhà. Quê tôi nhờ đấy mà nhiều nhà mới được cất lên, "rường xuyên trính lận", yên tâm hơn trong giông bão.
Bão dập một đêm, sáng mai nhìn không ra làng, ra xóm. Tất cả gần như san phẳng, nhà cửa vùi hết trong những lùm cây gãy đổ. Hủy diệt như thế thì chỉ có thể sánh bằng những năm B52 của Mỹ đánh phá tuyến lửa Quảng Bình.
Kỳ tới: Được chăng hay chớ?
Bình luận (0)