Bài viết về sự trở về của những kỷ vật từ bệnh nhân Covid-19 trên Báo Người Lao Động đã gây xúc động và cho độc giả góc nhìn cận cảnh hơn về những gì chúng ta đang trải qua. Những kỷ vật trên là minh chứng cho một giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất trong thời hiện đại bởi tai họa khó lường mang tên virus SARS-CoV-2. Mỗi ngày, cơ quan y tế thông báo có đến hàng ngàn ca mắc và đau buồn hơn là cả trăm người nằm xuống vĩnh viễn. Họ trở lại bên người thân chỉ qua những kỷ vật và ký ức êm đẹp của quãng thời gian bên nhau.
Tôi cũng một lần chứng kiến những kỷ vật tương tự. Người chú láng giềng đang có bệnh nền mắc Covid-19 đã mất sau vài ngày nằm viện. Người nhà nhận lại chiếc điện thoại của ông và ai cũng bật khóc khi màu sắc cuối cùng trên chiếc điện thoại là ảnh đứa cháu gái mà ông thường bế. Anh con trai trong nhà nói với vợ con: Bằng mọi cách sẽ không để Covid-19 tấn công vào ngôi nhà này nữa.
Có lẽ đây là ý chí của hầu hết chúng ta trong cơn nghịch cảnh này. Virus sẽ không e dè bất kỳ khu vực nào. Nạn nhân của nó cũng không loại trừ bất kỳ ai. Bởi vậy, đây là cuộc chiến đấu chung của mọi người để không phải trả giá bằng sự nghèo khổ, thậm chí là sinh mạng. TP HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nội... hay bất cứ địa phương nào dù hiện giờ may mắn không có dịch bệnh cũng đều bị tác động nặng nề. Những địa phương đang trực tiếp chống chọi với dịch bệnh cần được ưu tiên tuyệt đối về sức người, sức của để nhanh chóng vượt qua, tổ chức lại sản xuất, tái tạo việc làm, củng cố lại sức mạnh của cả nền kinh tế và bảo toàn sức khỏe của cả quốc gia.
Nỗi sợ hãi dẫn đến ứng phó theo kiểu địa phương tính chỉ thỏa mãn về những con số dịch tễ trước mắt chứ không mang tính an toàn trên thực tiễn. Sự an toàn của một địa phương phải bao hàm cả về sức khỏe của người dân, bảo đảm điều kiện kinh tế gia đình và cả tinh thần tích cực về môi trường sống hiện tại. Chỉ có chung sức cùng cả nước, chia sẻ với các địa phương đang khó khăn vì dịch bệnh thì mục tiêu an toàn trên mới có thể thực hiện được.
Dịch bệnh luôn đồng hành với con người là điều đã được khoa học chứng minh. Vấn đề còn lại là chúng ta phải học cách ngăn ngừa và ứng phó, nhưng tuyệt đối không cho phép chủ quan, lơ là. Trách nhiệm của mỗi người là tuân thủ những khuyến cáo của các nhà khoa học và chiến lược chống dịch của cơ quan điều hành. Điều này quyết định sự thành công của công tác chống dịch trên bình diện quốc gia và cuộc sống an bình của từng nhà, từng người.
Kỷ vật từ bệnh viện điều trị Covid-19 không chỉ có ý nghĩa với các gia đình được nhận mà còn mang lại giá trị cảnh tỉnh cho mọi người về những bất trắc trong cuộc sống tưởng chừng an toàn nhất. Cái chết có thể đến trong những lúc bất ngờ nhất nên y học luôn nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người thân chính là kỷ vật trọn vẹn nhất cho mỗi người khi qua đời.
Bình luận (0)