Sâm bố chính còn gọi là sâm thổ hào, sâm báo, có tên khoa học là Hibiscus sagittifolius Kurz, thuộc họ bông Malvaceae. Đây là loại dược liệu quý, được biết đến đầu tiên tại vùng Bố Chính (gồm các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay) cách nay khoảng 300 năm. Do bị khai thác tận diệt nên sâm bố chính gần như biến mất. Những năm gần đây, loại cây dược liệu này mới được khôi phục.
Dược tính tương đương nhân sâm Hàn Quốc
Sâm bố chính là loại thân thảo sống dai, mọc đứng một cách yếu ớt, có khi dựa vào các cây xung quanh, cao chừng 1 m hoặc hơn. Rễ sâm bố chính màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, có đường kính 1,5-2 cm; nhiều rễ có hình người rất giống nhân sâm. Lá ở phía gốc cây hình trái xoan, phần cuối phiến lá hình tim hay mũi tên, đầu phiến lá không nhọn. Lá ở phía ngọn càng lên trên càng hẹp. Mặt lá có lông đơn hoặc hình sao. Hoa sâm bố chính màu hồng, đỏ hoặc phớt vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá, đường kính tới 8 cm.
Toàn bộ phần củ sâm bố chính là bộ phận được dùng làm thuốc. Theo các nhà khoa học, sâm bố chính có dược tính rất cao, được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc, chỉ thua sâm Ngọc Linh.
Rễ sâm bố chính chứa phytosterol, coumarin, acid béo, acid hữu cơ, đường và hợp chất uronic. Hàm lượng lipid là 3,96% (myristic, acid palmitic, acid stearic, acid oleic, acid linoleic, acid linolenic), hàm lượng protein toàn phần là 0,23 g. Các acid amin gồm 11 chất, gồm: histidine, argusin, threonine, alanine, prolin, tyrosin, valin… Hàm lượng tinh bột là 15,14% và chất nhầy 18,92%, ngoài ra còn có các nguyên tố: Na, Ca, Mg, Al…
Mô hình trồng sâm bố chính của Công ty TNHH Bà Đen Farm Ảnh: Bảo Dương
Thích nghi với thổ nhưỡng nhiều nơi
Không như sâm Ngọc Linh chỉ có thể trồng được trên núi Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), sâm bố chính đã được trồng thành công ở nhiều địa phương: Thái Nguyên, Long An, Trà Vinh, Tây Ninh... Với hiệu quả kinh tế đã mang lại, sâm bố chính được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng cũng như phát triển kinh tế nông thôn cho nhiều địa phương.
Mô hình trồng thử nghiệm sâm bố chính được Công ty TNHH Bà Đen Farm triển khai từ năm 2015 với diện tích 1,2 ha trên địa bàn phường 1, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, nhận thấy sâm bố chính mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây (cây phát triển tươi tốt, ra củ dài 10-30 cm, đường kính 3-5 cm) nên công ty này mở rộng diện tích trồng ra nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Bà Đen Farm, cho biết loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc nên đã được công ty đưa về trồng thử nghiệm. Sản phẩm chế biến từ sâm bố chính được thị trường tiếp nhận. "Công ty nhận thấy tiềm năng kinh tế cũng như lợi ích về sức khỏe, xã hội của sâm bố chính nên đã mạnh dạn chuyển giao kỹ thuật canh tác để nông dân địa phương nhân rộng diện tích sản xuất; không chỉ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương mà còn tạo vùng nguyên liệu sâm bố chính bền lâu ở vùng đất này" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Đến nay, Công ty TNHH Bà Đen Farm đã liên kết với nông dân trồng hơn 8 ha sâm bố chính tại các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Châu Thành, Tân Biên và TP Tây Ninh. Khi triển khai mô hình trồng sâm bố chính, phía công ty sẽ hỗ trợ người dân chi phí đầu tư ban đầu: hạt giống, xử lý đất, kỹ thuật trồng, thiết kế hệ thống tưới tiêu cho phù hợp với túi tiền.
Sau khi thu hoạch được 1/2 sản lượng, người dân sẽ thanh toán trước 50% chi phí đầu tư ban đầu. Đến khi thu hoạch cuối vụ, người dân sẽ trả hoàn tất số tiền chi phí còn lại. Ở vụ trồng đầu tiên, chi phí đầu tư khoảng 120-150 triệu đồng/ha để xử lý đất, lắp đặt hệ thống tưới, hạt giống…; sang vụ trồng thứ 2 phải đầu tư khoảng 80-90 triệu đồng/ha mua hạt giống, cày xới đất. Với năng suất đạt cao, từ 5-7 tấn, sau khi trừ hết chi phí, người trồng thu lời từ 200-500 triệu đồng/ha.
"Việc chăm sóc sâm này không phức tạp, chỉ cần thường xuyên dọn cỏ và tưới nước, sau 8 tháng đến 1 năm là có thể thu hoạch những củ sâm chất lượng" - ông Nguyễn Tôn Trọng - ngụ huyện Gò Dầu, người đã mạnh dạn trồng thử 2 ha sâm bố chính theo mô hình Bà Đen Farm - phấn khởi.
Không chỉ Công ty TNHH Bà Đen Farm và người dân Tây Ninh nhìn thấy tiềm năng lớn từ nguồn dược liệu này. Hiện nay, nhiều tỉnh khác cũng đang mạnh dạn đầu tư các vùng chuyên canh lớn nhằm phát triển khu vực trồng sâm bố chính, điển hình là Phú Yên, Hòa Bình, Long An, Trà Vinh, Quảng Bình… Với mô hình trồng sâm bố chính, người dân các tỉnh này kỳ vọng sẽ tìm thấy hướng đi phát triển kinh tế mới ổn định và thu được lợi nhuận cao.
Bình luận (0)