Cánh cửa bầu trời miền Tây rộng mở hơn khi sân bay Cần Thơ có đường bay quốc tế kết nối Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) hòa cùng với 5 đường bay nội địa mới từ Cần Thơ đến Nha Trang, Đà Lạt, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa. Vietjet Air sẽ mở 2 đường bay quốc tế mới từ Cần Thơ đi Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) trong năm nay và đang nghiên cứu mở thêm đường bay mới đi Nhật Bản, Trung Quốc. Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng dự kiến góp mặt 1 chuyến/ngày vào đường bay Cần Thơ - Hà Nội.
Dưới đất, giao thông đồng bằng cũng đang phát những tín hiệu vui. Các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn trên tuyến giao thông thủy, bộ đều đang khẩn trương khởi động, chạy nước rút. Thủ tướng Chính phủ quyết định "giải cứu" cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 10 năm ì ạch khởi công, đình hoãn, nay tái khởi động để hoàn thành vào cuối năm 2020, nối nhịp cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đưa vào sử dụng năm 2022. Cầu Vàm Cống - dấu son nối đôi bờ sông Hậu - sau mấy lần lỗi hẹn cũng đang bứt phá để kịp hoàn thành giữa năm 2019.
Như hòa cùng dòng chảy giao thông, hàng nông sản đồng bằng cũng đang kỳ vọng thông đường trước nhiều tín hiệu vui. Sau cú sốc giảm giá tôm, cá tra đầu năm, tin vui lại đến với bà con nông dân: Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế 0% cho tôm của 31 doanh nghiệp Việt. Năm tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre đứng đầu cả nước về diện tích nuôi và sản lượng, quyết định đích đến 4,2 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước năm 2019. Miền Tây vừa góp mặt thêm 6 loại trái cây cùng với 5 loại trái trước đó được xuất khẩu vào thị trường khó tính Mỹ. Đó không chỉ là một thương vụ xuất khẩu 8 tấn xoài (sắp tới sẽ thêm 1 tấn) của một doanh nghiệp Đồng Tháp mà còn là dấu mốc của hành trình nhiều năm trái cây Việt phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt từ truy xuất vùng trồng, đóng gói, chiếu xạ, cấp mã số.
Miền Tây đón tin vui nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Trong khi các chỉ số thành phần và thứ hạng PCI các tỉnh ngày càng tốt hơn thì thu hút đầu tư FDI, đầu tư vào nông nghiệp của nơi đây vẫn là vùng trũng. Sau nhiều năm, 3 điểm nghẽn phát triển vùng vẫn là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chất lượng nguồn nhân lực. Nắng nóng, hạn mặn đang khốc liệt từng ngày gợi nhớ đến cơn hạn mặn lịch sử 3 năm trước vẫn đang đe dọa miền Tây.
Hơn cả những niềm vui là tạo động lực phát triển bền vững cho vùng đất nhiều tiềm năng này. Bài học về những đường bay "khai trương rầm rộ, rút lui lặng lẽ", công trình trọng điểm khởi công nhiều lần, chậm tiến độ, kém chất lượng, những kiểu làm ăn gian dối làm giảm uy tín, chất lượng nông sản Việt... phải được bảo đảm không tái diễn.
Bình luận (0)