Quan điểm nhất quán của Đảng, nhà nước là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bên cạnh đấu tranh cho chủ quyền, phát triển kinh tế biển là định hướng và quyết sách lớn, không chỉ giúp thu được nguồn lợi từ biển mà còn khẳng định sự hiện diện của chúng ta trên vùng biển hợp pháp.
Để tránh lãng phí tài nguyên, cũng là thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo vệ chủ quyền vừa khai thác kinh tế, Đảng và nhà nước đã đưa ra nhiều chiến lược, chính sách phát triển kinh tế biển. Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng XII thông qua Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26 về kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36.
Trước nhiệm vụ lớn, mỗi người dân, tổ chức không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Chung tay đóng góp công sức bảo vệ và khai thác kinh tế hiệu quả tại khu vực biển hợp pháp là biểu hiện của lòng yêu nước. Cũng không có biện pháp đấu tranh nào hiệu quả và bền bỉ hơn cách mỗi người dân, mỗi con tàu trên biển trở thành một cột mốc sống. Tiếp sức cho họ là tiếp sức cho những cột mốc chủ quyền dân tộc.
Xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, ngày 1-6-2019, nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ban Biên tập Báo Người Lao Động phát động và thực hiện Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Sau 1 năm, chương trình đã trao và ký kết trao hơn 100.000 lá cờ Tổ quốc cùng hàng trăm túi thuốc y tế cho ngư dân 12 tỉnh, thành có biển; phối hợp cùng lực lượng Hải quân đưa cờ Tổ quốc ra 33 đảo, điểm đảo và 15 nhà giàn để tặng ngư dân; đến với các tỉnh biên giới đất liền như Hà Giang, Cao Bằng…
Cộng đồng ghi nhận chương trình có ý nghĩa tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân để bà con yên tâm vươn khơi bám biển, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chương trình còn góp phần khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, ý thức của người dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo máu thịt của Tổ quốc. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng sâu rộng của nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể để có thể tiếp sức cho ngư dân các tỉnh, thành có biển thực hiện trách nhiệm của mình với biển của Tổ quốc.
Qua 1 năm triển khai, chương trình cần được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mạnh mẽ hơn nữa với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú. Công tác tuyên truyền không chỉ trong nước mà cần hướng tới quốc tế để chương trình đến được và tranh thủ sự ủng hộ của kiều bào và nhân dân quốc tế. Đó cũng là sự kỳ vọng của chúng tôi về một chương trình điển hình với tiếng vang và sức ảnh hưởng rộng lớn.
Bình luận (0)