xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng dâu tây chịu nhiệt

Mộc Lan

Mô hình trồng dâu tây chịu nhiệt đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế và du lịch của nhiều địa phương

Dâu tây xuất xứ từ châu Mỹ được các nhà làm vườn châu Âu cho lai tạo vào thế kỷ XVIII để tạo nên giống dâu tây được trồng rộng rãi hiện nay. Thập niên 40 của thế kỷ XX, người Pháp đưa dâu tây tới Đà Lạt. Khí hậu ôn đới và thổ nhưỡng nơi đây cho chất lượng cũng như mùi vị trái dâu tây rất ngon và đặc trưng. Nhưng để trồng dâu tây ở xứ nóng thì cần phải có giống dâu chịu nhiệt phù hợp.

Ưu điểm vượt trội

Cây dâu tây có tên khoa học là Fragaria hay còn gọi là dâu đất, một chi thực vật hạt kín, loài có hoa thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Về thành phần dinh dưỡng, trái dâu tây chứa các vitamin tan trong chất béo bao gồm carotenoid, vitamin A, vitamin E và vitamin K, đặc biệt hàm lượng vitamin C cao (khoảng 60 mg/100 g trái tươi), và một số vitamin khác với hàm lượng thấp hơn như thiamin, riboflavin, niacin và vitamin B6. Đồng thời, hàm lượng chất xơ và fructose trong dâu tây đóng vai trò điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và kiểm soát lượng calo hấp thu. Cây dâu tây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao nên các nước trên thế giới coi trọng việc trồng và xuất khẩu dâu tây, như Mỹ, Mexico, Iran, Đức, Anh.

Các giống dâu tây trước đây chủ yếu chỉ thích hợp trồng ở nhiệt độ từ 15 - 25 độ C nên ở nước ta, dâu tây vẫn chỉ được trồng chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng và đây cũng là nơi cung cấp dâu tây đi khắp cả nước. Bởi vậy, giá đến tay người tiêu dùng ở các vùng xứ nóng sẽ tăng cao do phải chịu chi phí vận chuyển và bảo quản đắt đỏ. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, các nhà vườn đã bắt đầu nhập khẩu giống dâu tây chịu nhiệt để trồng nơi vùng có khí hậu nóng như Ninh Thuận, TP HCM... Tuy nhiên, loại cây này trồng ở xứ nóng vẫn còn là mới mẻ, không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để phát triển.

Dâu tây chịu nhiệt Hana Nhật Bản là giống được chọn để phát triển mô hình dâu tây chịu nhiệt, do có nhiều điểm nổi trội và được đánh giá cao về khả năng chịu hạn, năng suất, chất lượng quả. Cây sinh trưởng và phát triển được ở nhiệt độ lên tới 40 độ C, ra quả quanh năm; thời gian bắt đầu cho thu hoạch sau 100 ngày gieo trồng (các giống khác có thể phải mất đến 4 - 5 tháng; có tuổi thọ và cho thu hoạch trong suốt 3 năm, nếu chăm sóc tốt có thể kéo dài 7 - 8 năm; sản lượng trung bình 1 gốc  khoảng 1,5 - 2 kg (80 - 120 quả), quả to, màu đỏ tươi, vị ngọt thanh, căng tròn mọng nước.

Kỳ vọng dâu tây chịu nhiệt - Ảnh 1.
Kỳ vọng dâu tây chịu nhiệt - Ảnh 2.
Kỳ vọng dâu tây chịu nhiệt - Ảnh 3.
Kỳ vọng dâu tây chịu nhiệt - Ảnh 4.

Mô hình trồng thủy canh dâu tây chịu nhiệt tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM Ảnh: Hồng Ngọc

Kỳ vọng dâu tây chịu nhiệt - Ảnh 5.

Trồng dâu tây chịu nhiệt trên giá thể tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM

Mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Mô hình trồng cây dâu tây đầu tiên của bà Võ Thị Hương (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là minh chứng cụ thể cho sự thành công của mô hình trồng dâu tây xứ nóng. Bởi hiện nay, mô hình trồng dâu tây của bà đang thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời mở ra hướng phát triển mới từ loại quả này ở vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận. Khi đến tham quan vườn dâu tây của bà Hương, du khách không chỉ được trải nghiệm công việc trồng và chăm sóc cây dâu tây mà còn có cơ hội được tự tay hái và thưởng thức những quả dâu tây thơm ngon ngay tại vườn.

Để khắc phục nhược điểm cây chậm phát triển, sinh trưởng không tốt khi dâu tây trồng trong điều kiện nắng nóng, bà Hương ủ cho sữa lên men rồi pha loãng với nước tưới cho các chậu dâu tây thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

Hiện tại, vườn dâu tây của bà Hương có hơn 5.000 chậu, sau khoảng 90 ngày trồng và chăm sóc, vừa qua, gia đình bà Hương thu hoạch lứa dâu tây đầu khoảng 50 kg, bán với giá 300.000 đồng/kg cho du khách.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, gia đình bà Hương quyết định sẽ phát triển tiếp mô hình này lên diện tích 2.000 m2 để mở rộng mô hình kinh tế cũng như phát triển du lịch cho địa phương.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước, mô hình trồng dâu tây chịu nhiệt của gia đình bà Hương bước đầu cho thấy loại quả này đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cây dâu tây, với lợi thế diện tích trồng nhỏ cho thu nhập lớn, đang mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở địa phương.

Không chỉ có Ninh Thuận phát triển được mô hình này, hiện nay ở TP HCM cũng đang xuất hiện những vườn dâu chịu nhiệt quy mô nhỏ ở các hộ gia đình hay các nhà vườn trên địa bàn các quận, huyện. 

Hỗ trợ của nhà khoa học

Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP HCM đã phát triển mô hình trồng dâu tây chịu nhiệt trong nhà màng trên giá thể hoặc trồng theo phương pháp thủy canh. Mô hình này đã được trình diễn và giới thiệu để người dân đến học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cũng như những lưu ý khi phát triển mô hình trồng dâu tây chịu nhiệt tại các tỉnh, thành có thời tiết nóng, làm sao để cây phát triển tốt và cho năng suất cao như mong muốn. Đây cũng là điều mà chị Lê Hồng Ngọc (chủ nhiệm dự án phát triển mô hình - khu NNCNC TP HCM) hy vọng khi có thể phát triển mô hình rộng rãi, giúp người dân chuyển đổi cây trồng hợp lý và mang lại kinh tế, đồng thời tạo điểm nhấn cho TP HCM về lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp xanh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo