Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, từ nay đến cuối năm 2018, nhiều công trình giao thông lớn sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.
Mở toang các cửa ngõ
Vừa qua, nhánh N1 dự án nút giao thông An Sương vừa được thông xe. Ông Trịnh Linh Phương, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, cho biết nút giao thông An Sương là giao lộ của 2 trục Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22, là nút giao thông tập trung phương tiện rất đông dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Vì vậy, việc đầu tư nút giao thông An Sương là cần thiết. Sau khi thông xe nhánh N1, ước tính có khoảng 60% lưu lượng phương tiện lưu thông vào nút, giảm bớt sự giao cắt với các phương tiện khác từ phía trên.
Cũng theo ông Phương, sau khi đưa nhánh N1 vào sử dụng, đơn vị này sẽ khởi công nhánh N2 hướng từ Quốc lộ 22 về trung tâm TP và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Theo đề án được UBND TP HCM phê duyệt, nút giao thông An Sương với hệ thống 3 tầng, trong đó 2 nhánh hầm mỗi nhánh gồm 2 làn xe, rộng 9-9,5 m, tĩnh không 4,7 m cho phép tất cả loại xe có thể lưu thông, tổng kinh phí đầu tư 514 tỉ đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ mở toang cửa ngõ phía Tây của TP, tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, kết nối TP HCM với tỉnh Tây Ninh và nước bạn Campuchia.
Việc hoàn thành nút giao thông An Sương vào cuối năm 2018 sẽ giải quyết bài toán kẹt xe cho cửa ngõ Tây Bắc của TP. Trong ảnh: Các phương tiện lưu thông qua nhánh N1 nút giao thông An Sương
Trước đó, ngày 31-1, một nhánh hầm chui Mỹ Thủy (quận 2) thuộc dự án nút giao thông Mỹ Thủy cũng được sở GTVT TP HCM thông xe. Việc thông xe nhánh hầm đầu tiên của dự án sẽ cho phép các phương tiện lưu thông từ Vành đai 2 rẽ trái vào cảng Cát Lái. Theo đề án đã được phê duyệt, nút giao thông Mỹ Thủy chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt bắc qua vòng xoay Mỹ Thủy và hầm chui từ Vành đai 2 rẽ trái vào cảng Cát Lái. Đồng thời, xây thêm các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy, tổng mức đầu tư 838 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2018. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng cầu vượt trên đường Vành đai 2 dài 316 m với 4 làn xe, cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725 m với 2 làn xe, cầu Mỹ Thủy 3 dài 124 m với 6 làn xe, cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái, dài 75 m với 4 làn xe sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Cùng với việc xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy hiện đại kết nối với Vành đai 2, Vành đai 3, xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 sẽ mở rộng giao thông cửa ngõ phía Đông Bắc của TP.
Theo đánh giá của Sở GTVT TP HCM, đây là những dự án cấp bách, sau khi hoàn thành sẽ tháo "ngòi" cho khu vực cảng Cát Lái và các tuyến đường lân cận như Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ "thoát" cảnh kẹt xe, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.
Thực hiện 22 công trình giao thông
Dự kiến trong năm 2018, Sở GTVT TP HCM sẽ hoàn thành xây dựng và sửa chữa 22 công trình giao thông. Ngoài các dự án "khủng" tại các cửa ngõ của TP, nhiều dự án khác nhằm kết nối giao thông vùng, cảng cũng được đầu tư và gấp rút hoàn thành. Điển hình là dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), dự án cầu vượt bộ hành trên đường Hoàng Minh Giám (tại Công viên Gia Định), dự án đường chui dưới cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức), xây dựng cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt (quận 5)…
Dự kiến trong tháng 5 sẽ khánh thành cầu nối đường Mai Chí Thọ với đảo Kim Cương (quận 2). Việc đưa công trình giao thông này vào sử dụng sẽ kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái của quận 2. Ngoài ra còn góp phần giảm áp lực giao thông cho đường Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống. Song song đó, trong năm 2018 sẽ khởi công nút giao An Phú (quận 2) tạo điều kiện kết nối khu dân cư đô thị dọc các tuyến Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ hướng về phía đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết trong năm 2018 sẽ ưu tiên triển khai 15 dự án khu vực cảng Cát Lái, các dự án kết nối giao thông tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đồng thời, đầu tư một số công trình giao thông tại các cửa ngõ của TP để đáp ứng, khai thác tốt hơn vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tiếp tục khai thác tốt cơ sở hạ tầng hiện có, đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Ngoài ra, TP HCM sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông gắn với các khu đô thị mới.
Đường trên cao nối Tân Sơn Nhất
Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM cùng Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R vừa đề xuất nghiên cứu dự án kết nối đường trên cao số 1 với sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, dự án dài khoảng 5,3 km, kéo dài từ ngã ba đường Cộng Hòa và đường Trường Chinh (theo đường Phạm Văn Bạch đến ngã ba Trần Thái Tông sau đó rẽ phải và đi trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất) thuộc tuyến đường trên cao số 1 và kết nối với đường Quang Trung (quận Gò Vấp). Tuyến đường trên cao số 1 được UBND TP HCM phê duyệt bắt đầu từ nút Lăng Cha Cả - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài và cắt qua đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã ba đường Nguyễn Văn Lạc và đi theo đường Ngô Tất Tố để kết nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tổng chiều dài dự án khoảng 9,5 km.
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM, việc đầu tư đoạn đường trên cao nối tuyến đường trên cao số 1 với sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết, phù hợp với quy hoạch hiện nay, giảm tải áp lực giao thông cho TP.
Bình luận (0)