TS TRẦN DU LỊCH - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Càng mang hơi thở cuộc sống càng khả thi
Tôi nghĩ những cuộc thi như thế này rất cần nhiều sự tham gia của quần chúng để làm sao hơi thở cuộc sống được chuyển tải một cách đầy đủ nhất, đậm nét nhất. Đó mới là thành công. Qua lần 1, tôi thấy Báo Người Lao Động đã làm được điều này, bước đầu có sự thành công. Từ tiền đề đó, tôi hy vọng sẽ được nâng tầm lên trong lần 2. Mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những giải pháp, thậm chí là chính sách, quyết sách để giải quyết những vấn đề thực tiễn đó, thì thường nó đã có trong cuộc sống.
Thế nên, những hiến kế càng mang hơi thở cuộc sống thì càng có tính khả thi. Muốn có được những hiến kế như vậy thì cuộc thi phải làm sao thu hút được mọi đối tượng, mọi thành phần trong nhân dân tham gia: từ những người có chuyên môn cao đến những người có sự trải nghiệm, cảm nhận cuộc sống, có thực tế sinh động… Khi đó, những hiến kế sẽ có chiều sâu về mặt giải pháp và tính ứng dụng vào thực tiễn.
Là một thành viên trong Hội đồng Giám khảo lần 1, tôi thấy cách làm của báo tốt, qua sơ tuyển rồi có hội đồng đánh giá, lấy ý kiến hội đồng để từ đó chọn ra một số tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Nếu được, lần 2 nên làm thêm một bước, đó là lấy ý kiến từ chính độc giả Báo Người Lao Động phản hồi về những hiến kế. Còn về 3 chủ đề lần này, tôi thấy Báo Người Lao Động chọn đều phù hợp với một số định hướng và chủ trương của TP HCM hiện nay.
Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 2 được Báo Người Lao Động phát động với mục đích cùng chung tay xây dựng TP HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông BÙI VĂN QUẢN - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM:
Mong công nghệ sẽ "bắt lỗi" thay CSGT
Phát triển công nghệ thông minh, đặc biệt ở lĩnh vực giao thông vận tải, là yếu tố tiên quyết để nâng cao hiệu quả trong quản lý và điều hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Vấn đề này dễ thấy khi đơn cử hiện nay, việc xử lý các vi phạm trên đường vẫn chủ yếu thực hiện thủ công, ngoài việc ít hiệu quả còn dễ phát sinh tiêu cực, chẳng hạn tình trạng "mãi lộ" - vốn tồn tại bao năm nay nhưng vẫn đang nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội. Một yếu tố nhỏ như vậy nhưng cũng cho thấy nếu quản lý qua hệ thống công nghệ, camera giám sát, tăng cường hình thức phạt "nguội"... thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều và hoàn toàn có thể giải quyết triệt để tình trạng trên.
Một vấn đề cũng gây nhiều bức xúc hiện nay là xe quá tải vẫn hoành hành. Việc này không chỉ khiến môi trường cạnh tranh không lành mạnh mà còn để lại những hệ lụy như tai nạn giao thông, hư hại đường sá... Tôi cho rằng một trong nhiều nguyên nhân chính khiến vấn đề này không được giải quyết triệt để là do việc quản lý hầu hết vẫn thủ công. Ngoài những hạn chế về nhân lực còn có nguyên nhân từ sự nhũng nhiễu, tiêu cực...
Do vậy, nếu có những giải pháp trong việc đẩy mạnh quản lý, điều hành bằng công nghệ thông minh ở lĩnh vực giao thông vận tải thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, đồng thời dần theo kịp xu hướng tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới.
TS NGUYỄN VINH HUY - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam:
Thương hiệu khởi nghiệp ngày càng tỏa sáng
Pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được các quốc gia trên thế giới dành sự quan tâm đặc biệt nhằm xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh và đủ sức hỗ trợ để doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung trở thành nền tảng của nền kinh tế, động lực thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và khẳng định vị thế của mỗi quốc gia trên bản đồ thế giới.
Những năm qua, TP HCM đã ban hành nhiều chính sách và có nhiều hành động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tôi mong rằng thời gian tới đây, sẽ có các hiến kế để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các start-up mới bước vào cuộc chơi. Qua đó, thương hiệu khởi nghiệp của TP HCM sẽ ngày càng tỏa sáng.
Ông NGUYỄN NGÔ HÂN - cán bộ hưu trí; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM:
Nâng chất lượng giao tiếp xã hội
Tôi kỳ vọng thông qua cuộc thi sẽ có những hiến kế sáng tạo, thiết thực được đưa vào thực tiễn và nhân rộng. Đặc biệt là những hiến kế có thể nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng và công sở, cũng như nâng cao vai trò của gia đình trong việc xây dựng gia đình văn hóa.
Cùng với quá trình đô thị hóa, đòi hỏi mỗi người phải ứng xử văn minh hơn, nề nếp hơn. Thế nhưng, rõ ràng những thói quen cũ vốn ăn sâu vào lối sống người dân không thể một sớm một chiều thay đổi được. Rất dễ thấy khi nhiều người vẫn vô tư xả rác xuống kênh rạch, đường phố; ý thức tham gia giao thông kém; ứng xử kém nơi công sở… Do đó, tôi mong bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở để nâng cao ý thức người dân thì cần có những hiến kế để thực thi nghiêm các chế tài của pháp luật nhằm tăng tính răn đe.
Muốn nâng cao ý thức con người thì yếu tố gia đình là quyết định bên cạnh môi trường giáo dục và môi trường xã hội. Gia đình là nhân tố quyết định xây dựng môi trường văn hóa. Ở cộng đồng dân cư nào mà mọi gia đình đều tốt, đạt chuẩn gia đình văn hóa thực chất 100% thì ở đó có môi trường văn hóa tốt. Vì vậy, cần lắm những hiến kế cho mô hình này.
Tổng giải thưởng lên đến 120 triệu đồng
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 do Báo Người Lao Động tổ chức được bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 4-4 -2021.
Để nội dung hiến kế dần đi vào chiều sâu, bám sát những kế hoạch quan trọng mà TP HCM đã và đang thực hiện, nội dung cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 được Ban Tổ chức khu biệt vào 3 chủ đề: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Các tác phẩm hiến kế gửi về Báo Người Lao Động (có thể là góp ý, ý tưởng, mô hình, giải pháp) phải đáp ứng các tiêu chí sau: Có nội dung và đúng chủ đề; mới, sáng tạo, độc đáo; nêu được giải pháp cụ thể, thiết thực, gần gũi với đời sống; có thể triển khai ứng dụng vào thực tiễn; là những bài viết, ý tưởng chưa được gửi đăng trên bất kỳ báo, tạp chí nào.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: langnghenguoidanhienke@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM. Mọi thắc mắc xin liên hệ qua số điện thoại 0903 343439 (gặp cô Trâm Anh).
Tổng giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 được Ban Tổ chức nâng từ 107 triệu đồng (cuộc thi lần 1) lên 120 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đặc biệt, khi cuộc thi bước vào giai đoạn 2, Ban Tổ chức sẽ mở rộng phạm vi hiến kế ra cả nước với các chủ đề rộng hơn; giải thưởng cũng sẽ hấp dẫn hơn cho những hiến kế có tầm, có chiều sâu và tính khả thi khi ứng dụng vào thực tế phục vụ sự phát triển của TP HCM nói riêng, của cả nước nói chung (sẽ công bố sau).
Bình luận (0)