Ngày 25-11, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP HCM và ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM - cùng lãnh đạo UBND TP và sở - ngành làm việc với Ban Quản lý (BQL) Khu Công nghệ cao (KCNC) TP HCM.
Kiến nghị 5 vấn đề cụ thể
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL KCNC TP HCM, cho biết tính đến nay, KCNC có 85 dự án đang hoạt động và 75 dự án đang triển khai hoạt động. Theo đó, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao 10 tháng đầu năm 2020 của KCNC đạt 16,223 tỉ USD, tăng 19,82% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 15,403 tỉ USD, tăng 23,59% và giá trị nhập khẩu đạt 14,808 tỉ USD, tăng 26,78%. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của KCNC ước đạt 80,951 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 76,743 tỉ USD và giá trị nhập khẩu đạt 70,103 tỉ USD.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, vốn đầu tư tại KCNC từng 2 lần đạt đỉnh, lần đầu vào năm 2006 (thời điểm Intel đầu tư vào) và lần 2 là năm 2014 (thời điểm Samsung đầu tư vào). Dự kiến năm 2021, KCNC sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong thu hút đầu tư, từ hoạt động mở rộng các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển KCNC một cách bền vững, ông Nguyễn Anh Thi kiến nghị TP xem xét chấp thuận 5 vấn đề cụ thể.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ trái sang), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và ông Nguyễn Văn Nên (thứ ba từ phải sang) - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM - tham quan các gian hàng triển lãm sản phẩm công nghệ cao
Đầu tiên, BQL KCNC kiến nghị xem xét, chỉ đạo cho phép thực hiện cơ chế đặc thù "một cửa liên thông" trong phối hợp sở, ngành, quận 9 và BQL KCNC để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Kế đến, tháo gỡ vấn đề quy hoạch khu không gian khoa học, cho phép BQL KCNC được hủy bỏ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã phê duyệt tại Quyết định số 113 năm 2010 để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án. Xem xét, chỉ đạo giao BQL KCNC được tiếp tục chủ trì triển khai dự án thương mại hóa thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai để đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết 3 nhà, tăng cường gắn kết KCNC và ĐHQG TP HCM, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Đặc biệt, xem xét, chỉ đạo tháo gỡ vấn đề quy hoạch và đầu tư công Công viên Khoa học và Công nghệ TP HCM cũng như sớm thông qua chủ trương đối với các chính sách hỗ trợ cho đầu tư giai đoạn II của dự án Intel Việt Nam.
Xử lý nhanh các ách tắc
Tâm đắc về những bài học đem lại sự thành công của KCNC, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính sách thu hút đầu tư, cùng sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo TP HCM, qua đó đã tạo được sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư tham gia vào KCNC.
Về định hướng phát triển của KCNC trong thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Nên đồng tình với việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, tập trung phát triển hạ tầng, quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các đơn vị liên quan quan tâm đến giải pháp kết nối 3 nhà (nhà nước, nhà đầu tư - nhà khoa học), đặc biệt là quan tâm chăm sóc để doanh nghiệp hiện hữu gắn bó lâu dài với KCNC. Cùng với đó là nhiệm vụ giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao để họ gắn bó lâu dài và cống hiến; tiếp tục phát huy vị trí thuận lợi của KCNC để làm sao xứng đáng với sự chọn lựa và tạo ra được sự hấp dẫn của TP.
Riêng các kiến nghị của BQL KCNC, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn chung chỉ xoay quanh một việc là tháo gỡ vướng mắc nên ông yêu cầu các cơ quan liên quan, gắn với từng trách nhiệm cá nhân cụ thể trên từng cương vị được giao làm tốt nhiệm vụ của mình. Thông qua đó sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để góp phần cho sự phát triển của KCNC.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình trước các giải pháp đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu để triển khai mô hình liên kết 3 nhà. Qua đó nhằm tăng cường gắn kết KCNC và ĐHQG TP HCM, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Với kiến nghị có cơ chế đặc thù "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp trong KCNC, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý BQL KCNC cần xây dựng đề án, nêu rõ thẩm quyền của BQL KCNC. Theo ông, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TP, Chủ tịch UBND TP đã ủy quyền hơn 80 đầu việc thuộc thẩm quyền cho các sở - ngành, UBND quận - huyện và thủ trưởng các sở - ngành, chủ tịch UBND các quận - huyện. Do đó, ông gợi ý cần xây dựng cơ chế ủy quyền cho BQL KCNC. "Trường hợp pháp luật không cho phép thì thành lập một tổ (có thể gọi là tổ công nghệ cao) do phó chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng và sẽ quyết định ngay các vấn đề liên quan đến hoạt động, phát triển KCNC" - ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Nếu muốn xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư mới, trước hết phải đối xử thật tốt với những nhà đầu tư hiện tại thì sẽ hơn 1.000 lần đi xúc tiến’’.
Bí thư Thành ủy TP HCM NGUYỄN VĂN NÊN
Bình luận (0)