Trung tâm Nghiên cứu Cai nghiện - Bệnh viện Châm cứu trung ương vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân đặc biệt, được 2 người anh trai "áp tải" vào. Đó là anh T.V.H, quê ở Phú Thọ, làm kinh doanh tự do.
Sống trong ảo giác
35 tuổi, anh H. đã uống rượu liên tục 8 năm nay, thậm chí cơm có thể không ăn nhưng rượu thì mỗi ngày phải khoảng 1 lít. Khi vui miệng hoặc gặp gỡ đối tác làm ăn, anh H. có thể uống bao nhiêu cũng được.
Một người nghiện rượu nặng được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương để cai nghiện. Ảnh: HUY THANH
Gần đây, anh H. sụt cân, chán ăn, mất ngủ, run tay, đổ mồ hôi bất thường, rối loạn sinh lý và chỉ uống rượu... cầm hơi. Mọi người trong gia đình khuyên bảo nhưng H. lầm lì không đáp lời. Trong một bữa cơm cuối tuần, trước mặt bố mẹ và vợ con, H. không ăn gì mà cầm nguyên chai rượu tu ừng ực. Cả nhà có ý kiến thì H. nổi đóa, cầm dao đòi xử người nào ngăn mình uống rượu.
Một người đang được châm cứu cai nghiện rượu tại Bệnh viện Châm cứu trung ương Ảnh: HUY THANH
"Ngày nhập viện đầu tiên, không có giọt rượu nào, tôi thấy trong người bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi, vã mồ hôi, đau đầu, đau mỏi toàn thân. Những ngày sau đó, tôi bị co giật toàn thân và nhìn xung quanh, thậm chí cả người thân, vợ con của mình tôi cũng thấy khiếp sợ" - H. nói.
Còn Hoàng Minh Quân (32 tuổi, sống ở Đắk Lắk) từ một người ít nói, yêu thương vợ con bỗng thay đổi tính nết hoàn toàn. Uống rượu suốt 10 năm nhưng khoảng 2 năm gần đây, anh bắt đầu nghiện đến mức không thể sống thiếu rượu. Anh bỏ bê công việc, đánh chửi, hành hạ vợ. Chịu hết nổi, người vợ phải đưa con về nhà ngoại sống và đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Từ đấy, anh Quân càng rơi vào khủng hoảng, bất ổn tâm lý. Có hôm, Quân còn giấu con dao trong người, trong đầu lởn vởn tiếng người khác hăm dọa, đòi giết. Cuối năm 2017, người thân của Quân ở ngoài Bắc đã phải vào Đắk Lắk đưa anh đi cai nghiện. Thấy bác sĩ, Quân tỏ ra lo sợ và bất hợp tác. Nhiều lúc Quân la hét như người quẫn trí khiến các bác sĩ phải tiêm thuốc an thần cho anh.
Nước mắt người vợ
Rượu là nguyên nhân khiến nhiều gia đình tan vỡ. Trong nỗ lực cứu vãn hôn nhân, nhiều người vợ đã đưa chồng đến tận trung tâm cai nghiện điều trị. Chứng kiến chồng mình khổ sở, vật vã điều trị để dứt cơn nghiện, chị Hoàng Thị Vân (quê Ba Vì, Hà Nội) chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.
Chồng chị trước đây không hề đụng đến một giọt rượu, gia đình nhỏ tràn ngập tiếng cười cho đến khi chị bị sẩy thai đứa con thứ hai. Chồng chị từ dạo ấy cứ buồn buồn và thường xuyên đi làm về muộn, lần nào về cũng có hơi rượu, lâu dần rồi nghiện từ lúc nào không hay. Khi gia đình ăn cơm ở nhà, chồng mang rượu ra uống, mỗi lần uống cả nửa lít. Tình trạng này kéo dài, công việc của chồng chị gặp trục trặc, càng như vậy thì anh lại càng uống.
"Anh ấy không còn được như trước nữa. Tính tình thay đổi nhưng vẫn ý thức được phần nào nên cũng muốn bỏ rượu, nhiều lần anh ấy quyết tâm bỏ nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bỏ được vài ngày lại thấy say trở lại nên gia đình rất khốn khổ. Lần này, tôi quyết định đưa chồng đến trung tâm cai nghiện để mong loại được con "ma men" chi phối bao lâu nay" - chị Vân tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (41 tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng suy nhược thần kinh nặng do nghiện rượu, các chỉ số men gan, mỡ máu của bệnh nhân tăng gấp hàng chục lần so với người bình thường. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện hoảng loạn, bất ổn. Là lãnh đạo một cơ quan truyền thông ở Hà Nội, do thường xuyên phải đi công tác, việc "chén anh chén chú" dần trở thành phổ biến với anh Tuấn. Cách đây 3 năm, anh gặp chuyện buồn nên thường xuyên tìm đến rượu để giải sầu. Gần đây, anh bắt đầu thấy run tay, đầu óc "nhớ nhớ, quên quên", công việc gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy những bất ổn về tâm lý, vợ anh thuyết phục chồng vào trung tâm cai nghiện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Việt, Khoa Tâm thần Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), đã nhiều năm gắn bó, điều trị cho những bệnh nhân nghiện rượu. Theo bác sĩ Việt, khi đến trung tâm cai nghiện, chưa có trường hợp nào mà bệnh nhân tự đi một mình, tất cả đều được gia đình đưa đi cai nghiện vì đã đến mức gia đình không thể chấp nhận được nữa.
Kỳ tới: Gian nan cai nghiện rượu
"Bợm nữ"
Cách đây không lâu, các bác sĩ Bệnh viện Châm cứu trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.M (48 tuổi, dân tộc Thái ở Sơn La). Bà M. được các con trai đưa đi cai nghiện vì hay chửi mắng con cái vô cớ, dễ cáu giận và ngày nào cũng phải uống cả lít rượu. Có những bữa cơm, bà M. chẳng thiết ăn gì mà chỉ tu rượu như nước.
Khi bác sĩ tuyên bố bà bị gan to, men gan tăng cao, huyết áp cao, thể trạng gầy yếu, bà M. vẫn không dứt được rượu. Vào viện, bà nằng nặc đòi con trai mua rượu về phòng cho uống. Điều trị vài ngày, do không được uống rượu nên bà có biểu hiện sảng rượu: chân tay co quắp, vật vã, la hét vô thức và luôn miệng nói "nhìn thấy" quái vật trong phòng, chạy trốn khỏi ma quỷ đang đuổi theo. Các y - bác sĩ và người thân buộc phải trói chặt bà vào giường bằng những dây vải trắng.
Một nữ bệnh nhân khác được chính người chồng đưa đến để cai chứng nghiện… bia. Nữ bệnh nhân này mới ngoài 40 tuổi và đã biết uống bia tới hàng chục năm. Theo lời người chồng thì "lúc đầu tôi tưởng cô ấy chỉ thích uống bia. Dần dần tôi nhận ra hầu như ngày nào cô ấy cũng phải "súc miệng" 2-3 chai. Cô ấy uống thì không say bao giờ nhưng nếu không uống, cô ấy bồn chồn, cáu bẳn, bứt rứt và không muốn làm bất cứ việc gì". Được chỉ định điều trị nội trú để cai nghiện bia bằng phương pháp châm cứu trong vòng 2 tuần, nữ bệnh nhân này gần như đã được "cai" chứng thèm bia. Đến nay, thậm chỉ cả tuần không có giọt bia nào thì cô ấy vẫn bình thường và rất vui vẻ.
Bình luận (0)