Tại Khoa Cai nghiện Bệnh viện Tâm thần trung ương, hơn 50% bệnh nhân đang điều trị nghiện rượu, ngoài ra là các bệnh nhân nghiện ma túy, nghiện game và các chất khác.
Tăng báo động
Nhiều người khi vào viện trong trạng thái say không biết gì nhưng khi tỉnh dậy lại cho rằng mình không mắc bệnh nên luôn tìm cách chạy trốn. Họ tìm mọi cách lén trốn bác sĩ để uống rượu như đổ rượu vào chai nước lọc, cho rượu vào túi ni-lông giả vờ là nước canh… Bác sĩ Đỗ Thị Oanh, phó khoa, cho hay có những bệnh nhân bị mù cả hai mắt vì uống rượu nhưng vẫn lợi dụng sự sơ hở của bác sĩ để mua rượu về uống.
PGS-TS Bùi Quang Huy, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện 103 (Hà Nội), cho biết số người nghiện rượu vào điều trị tại Khoa Tâm thần ngày càng gia tăng, chiếm tỉ lệ 30% tổng số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 15 năm trước, để tìm được một bệnh nhân loạn thần do rượu minh họa lâm sàng cho sinh viên rất khó nhưng hiện nay, mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân loại này nhập viện. Họ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội như công nhân, nông dân, người buôn bán, bộ đội, trí thức.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân loạn thần do rượu vào điều trị tăng lên một cách rõ rệt. Theo một nghiên cứu mới nhất từ các bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần liên quan sử dụng rượu đang điều trị nội trú tại viện, độ tuổi trung bình bệnh nhân là 44,5 tuổi, nam giới chiếm 93,7%. Đa số bệnh nhân làm nghề nông và nghề tự do, số bệnh nhân sống ở nông thôn cao gần gấp đôi số bệnh nhân sống ở thành thị. Đa số bệnh nhân sử dụng rượu trắng và uống tất cả các ngày trong tuần.
Một bệnh nhân bị loạn thần do nghiện rượu ở Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG
"Đặc biệt, hiểu biết của bệnh nhân còn hạn chế, chủ yếu biết đến các triệu chứng thực thể hay gặp như run tay chân, vã mồ hôi, bồn chồn lo lắng…, còn những triệu chứng tâm thần ít được biết đến. Vì thế, tỉ lệ bệnh nhân đến với bác sĩ tâm thần khi xuất hiện hội chứng cai còn thấp là 57%; số bệnh nhân không điều trị gì chiếm 22%" - TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, nói.
Hiện tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta ngày càng tăng báo động. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới nhưng chỉ số sử dụng rượu bia đang đứng ở vị trí 29. Năm 2017, bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/năm. Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế, lo ngại xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm.
Gánh nặng chi phí cai nghiện
TS-BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho rằng uống rượu là một nét đẹp của văn hóa người Việt Nam nhưng một bộ phận người Việt vui cũng uống, buồn cũng uống nên rượu từ một nét văn hóa đã bị lạm dụng một cách tối đa theo cảm xúc của mỗi người. Nhiều người không ý thức được tác hại của rượu nên uống không kiểm soát và dần trở thành nạn nhân của rượu bia.
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, rượu là nguyên nhân chính của 31% vụ đánh nhau, giết người; 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội và 60 loại bệnh khác nhau như ung thư, suy đa tạng...
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện bằng châm cứu - Bệnh viện Châm cứu trung ương, khẳng định rượu bia là nguyên nhân gây ra bệnh của 30 mã bệnh tật và là nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh. Hiện nay, nghiện rượu mạn tính chưa được coi là bệnh nên những người đến cai nghiện rượu phải trả tiền dịch vụ hoặc trường hợp nghiện rượu có các biến chứng (gan, thận, não, tim mạch, ung thư...), bệnh nhân mới được Quỹ BHYT chi trả.
Trung tâm đang đề xuất Bộ Y tế và BHXH coi nghiện rượu mạn tính là một mã bệnh và người bệnh cai nghiện rượu sẽ được Quỹ BHYT chi trả. Bởi lẽ phần lớn những người nghiện rượu đều xuất hiện biến chứng mà việc chữa trị các biến chứng thường tốn kém hơn so với việc nếu bệnh nhân có ý thức cai nghiện rượu sớm.
Về đề xuất này, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết trong các quy định của Luật BHYT, điều trị các chất gây nghiện như ma túy, rượu… không có trong danh sách được thanh toán BHYT. Do vậy, người nghiện rượu cũng không được thanh toán BHYT cho quá trình điều trị nghiện rượu. Việc sử dụng thuốc để cai nghiện rượu, nghiện ma túy đều chưa được quy định chi trả theo Luật BHYT.
"Có thể trong lần sửa Luật BHYT tới đây, chúng tôi sẽ lấy ý kiến của giới chuyên môn xem xét việc sửa đổi quy định này nhằm bảo đảm cho người bệnh những quyền lợi tốt nhất và giảm các chi phí điều trị do các biến chứng từ việc nghiện rượu" - ông Phúc nói.
Một số cơ sở điều trị cai nghiện rượu tại Hà Nội
- Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ cai nghiện - Bệnh viện Châm cứu trung ương: Số 49 Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa.
- Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: 78 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa.
- Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương:
Cơ sở 1: Số 4 Hồng Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng
Cơ sở 2: Xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ.
- Bệnh viện Tâm thần trung ương 1: xã Hòa Bình, huyện Thường Tín.
- Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số VI: thôn Xuân Đồng, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn.
Bình luận (0)