Vụ việc này được phát hiện chỉ vài giờ sau khi thi nhưng không phải xuất phát từ sự kiểm tra, rà soát của ngành giáo dục mà do đề bị phát tán trên mạng. Nguyên nhân ban đầu xác định đề thi lộ ra từ nhóm học sinh học thêm, còn ai tung ra, với mục đích gì vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra. Khổ ải, tất cả học sinh ở cấp học này tại địa phương phải thi lại môn ngữ văn vào ngày 6-7.
Quy trình ra đề thi, bảo mật đề cho đến khi thi được vận hành theo một quy trình rất kín kẽ, nhiều bộ giám sát, hội đồng thi kiểm tra chặt chẽ... thế nhưng vẫn lộ hết năm này sang năm khác. Công tác quản lý giáo dục ở một số địa phương đã có vấn đề.
Vụ lộ đề thi đình đám gần đây nhất xảy ra tại tỉnh Bình Thuận vào tháng 4-2019. Sau khi bóc đề thi môn ngữ văn học kỳ I kỳ thi THPT, một số học sinh phát hiện y hệt đề thi đã lan truyền trên mạng xã hội trước đó. Các em báo giám thị coi thi và thông tin này tiếp tục được chuyển đến cấp cao hơn. Không còn cách nào khác, môn thi phải hoãn lại ở tất cả 28 trường THPT của tỉnh này. Nguyên nhân sau đó được xác nhận người đưa đề thi ra ngoài là một phó phòng ở chính Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, nhiều vụ lộ đề thi ở Hà Nội, Đồng Tháp, Khánh Hòa... cũng được phát hiện. Có nơi thì giáo viên trong hội đồng thi lén sao y đề cho đồng nghiệp, giáo viên đưa đề cho học sinh mình dạy thêm...
Thành tích học tập của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn của kết quả thi học kỳ, nên lộ đề thi là lỗi cực kỳ nghiêm trọng trong quản lý giáo dục. Đề thi không được bảo mật sẽ làm mất ý nghĩa của công tác kiểm tra học lực cuối học kỳ. Vấn đề này nếu không được phát hiện sẽ đánh mất sự công bằng thi đua trong học tập. Điểm số từ các đề thi bị biết trước sẽ không đánh giá đúng học lực của học sinh và tất nhiên kéo theo tình trạng ngồi nhầm lớp.
Quan trọng hơn, những học sinh ăn cắp điểm từ việc biết trước đề thi sẽ tự bằng lòng với việc dối trá chiếm chỗ của học sinh khá hơn mà không xấu hổ. Đây chính là sự thất bại của giáo dục khi muốn hướng đến mục tiêu tạo ra những con người nỗ lực phấn đấu, trung thực và tôn trọng bản thân.
Từng địa phương đều khăng khăng công tác quản lý giáo dục rất được đề cao, minh bạch nhưng mỗi năm học luôn xảy ra nhiều vấn đề, nhất là tại các kỳ thi cử. Trong nhiều năm chấn hưng giáo dục, các cơ quan đầu ngành đã nỗ lực miễn học phí cho học sinh, cải cách chương trình giảng dạy, nâng chuẩn giáo viên... Thế nhưng việc lộ đề, mua đề, nâng điểm vẫn diễn ra, thậm chí cán bộ còn mua bán cả điểm thi THPT quốc gia quy mô lớn. Điều này cho thấy công tác quản lý giáo dục ở nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu. Song song với cải cách giáo dục thì Luật Giáo dục mới càng đặt nặng hơn về cải cách bộ máy quản lý để những ưu việt của luật mới được vận hành hiệu quả trong thực tiễn.
Bình luận (0)