Sáng 12-4, tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018, ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết hôm nay (13-4), Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh sẽ cùng các sở, ngành khảo sát thực địa tại Vạn Ninh nhằm chấn chỉnh và siết chặt việc quản lý đất ở đây.
Bất lực?
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, cho biết tại nhiều địa phương ở huyện Vạn Ninh, xuất hiện tình trạng phá rừng chiếm đất trên đảo. "Qua xem xét chúng tôi nhận thấy các dịch vụ công chứng đất đai tăng vọt. Các vụ tranh chấp đất đai theo phản ánh của tòa án huyện cũng tăng. Đề nghị chính quyền địa phương không cho phép tách thửa các lô đất để hạn chế khi quy hoạch đặc khu hoàn thành sẽ gia tăng các đối tượng tái định cư" - ông Phi đề nghị.
Đây là điều đáng lo vì cuối năm 2017, tình trạng sốt đất đã được Báo Người Lao Động phản ánh khi nhiều người dân từ các nơi đổ xô về huyện Vạn Ninh mua đất nhằm đón đầu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong). Giá đất vườn, đất lâm nghiệp ở khu vực này tăng vọt từ 300.000 - 700 000 đồng/m2 lên 1-3 triệu đồng/m2. Các "cò đất" liên tục thổi giá, quảng cáo "hỗ trợ" chạy dự án. Bên cạnh đó, tại địa phương này đã xuất hiện tình trạng người dân phá rừng chiếm đất tại các đảo, tách thửa để bán đất...
Đầu năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường quản lý đất đai huyện Vạn Ninh trước tình trạng người trong và ngoài tỉnh đến nhận chuyển nhượng đất không đúng pháp luật; lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất đai, xây dựng công trình trái phép… Nhưng trên thực tế, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết huyện vừa tổ chức tổ công tác liên ngành kiểm tra tình trạng vi phạm đất đai ở xã Vạn Thạnh. Qua đó, xác định khoảng 11,5 ha cây cối ở các hòn đảo, đồi sát biển bị chặt phá trái phép… Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh - đã bị yêu cầu viết bản giải trình vì có dấu hiệu vi phạm.
Một góc Khu Kinh tế Vân Phong sẽ được hình thành đặc khu trong tương lai
Đề nghị khởi tố
Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho biết đối với tình trạng lấn chiếm đất công, chặt phá rừng, sang nhượng đất đai tràn lan, sở đã chỉ đạo cơ quan chức năng thẩm tra nguồn gốc đất trước khi cho sang nhượng, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, với việc bán sang tay thì rất khó xử lý.
"Chủ yếu đất đang sang nhượng hiện nay là đất vùng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản. Tôi đề nghị rà soát lại đối tượng mua bán đất có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, đất thủy sản hay không? Chứ không thể anh ngồi ô tô ở địa phương khác lại đi mua đất sản xuất. Khi quy hoạch đặc khu cũng không nên đưa đất sản xuất vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đối với đất công, nếu có người đến lấn chiếm phải xử lý ngay và nghiêm" - ông Thái đề nghị.
Còn ông Hoàng Đình Phi đề nghị UBND huyện Vạn Ninh tổ chức một đội đi quay phim, chụp hình các vùng đất, đảo chưa có biến động để khi chính quyền đặc khu hình thành sẽ có bằng chứng đối chất khi xử lý vi phạm. Các trường hợp xâm chiếm đất công trên các đảo, chặt phá rừng thì cần xử lý kiên quyết. "Cần thiết phải khởi tố, truy tố trước pháp luật những cá nhân có hành vi xâm hại" - ông Phi nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sốt đất ở các đặc khu, Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp kiểm soát tình hình quản lý đất đai và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản, gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng trước ngày 7-5.
Quản lý chặt đất đai ở Vân Đồn
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất ở một số địa phương trên địa bàn huyện rất phức tạp. Đất tăng giá đột biến, tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách thửa đất diễn ra nhiều.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn - nơi sẽ hình thành Khu Kinh tế Vân Đồn trong tương lai, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu huyện quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích và đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ thời gian qua, có dấu hiệu của một số tổ chức, cá nhân không có nhu cầu về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp từ nơi khác đến nhận chuyển nhượng đất trồng rừng để đầu cơ (mua bán chuyển nhượng, chuyển nhượng ngầm cho người khác) là nguyên nhân gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa phương. Do đó, yêu cầu UBND huyện chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát toàn bộ diện tích trên địa bàn và đề xuất thu hồi theo quy định.
TR.ĐỨC
Bình luận (0)