Nhiều quán cà phê, nhà hàng ở Đà Nẵng vừa nhận được thông báo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam (VCPMC phía Nam) về việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc. Theo thông báo này, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải liên hệ với VCPMC để xin phép và sử dụng âm nhạc theo luật định.
Bất ngờ, bức xúc
Ông Hoàng Duy, chủ quán cà phê A.Q (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết vừa nhận được thông báo về tiền tác quyền âm nhạc hôm 26-10. Thông báo này do ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC phía Nam, ký.
Nhiều quán cà phê ở TP Đà Nẵng bị đề nghị đóng tiền tác quyền âm nhạc Ảnh: Bích vân
Thông báo nêu rõ: Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời bảo đảm cho việc sử dụng những tác phẩm âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh, VCPMC phía Nam đề nghị chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên hệ để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc theo quy định tại khoản 3, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ông Duy cho rằng ông rất bất ngờ và không hài lòng khi nhận được thông báo trên. Nhiều chủ kinh doanh quán cà phê tại quận Hải Châu cũng nhận được thông báo tương tự và rất bức xúc. Quán của ông Duy đa phần mở nhạc nước ngoài từ các trang web âm nhạc miễn phí trên mạng nên theo ông, nếu muốn thu tiền thì phải thu ngay trên trang web đó.
"Cơ sở nào để thu tiền, ai ủy quyền cho thu, tiền thu rồi có tới tay nhạc sĩ hay không? Đặt trường hợp nhạc sĩ đã mất thì tiền thu được sẽ xử lý thế nào?" - ông Duy bức xúc. Ông Duy cũng đặt vấn đề: Cơ sở nào để thống kê quán cà phê sử dụng nhạc của nhạc sĩ nào đó để thu rồi trả tiền tác quyền cho họ? Nếu VCPMC có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc thu tiền tác quyền âm nhạc và giải thích đầy đủ các lý do trên thì ông sẽ nộp.
"Nộp tiền là đúng luật"
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Quang Hiển, chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin quận Hải Châu, cho biết vừa qua, phòng có phối hợp với VCPMC tại Đà Nẵng tổ chức buổi tuyên truyền đến hơn 200 chủ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, quán karaoke trên địa bàn.
Theo ông Hiển, phía VCPMC đã yêu cầu quận đốc thúc các hộ kinh doanh trên địa bàn đóng tiền tác quyền âm nhạc. "Nhưng quận trả lời là chưa thể tiến hành do vừa rồi, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có vào làm việc với TP Đà Nẵng, cho hay việc đóng tiền tác quyền còn phải chờ văn bản của bộ về mức đóng cụ thể. Hiện chưa có văn bản nào rõ ràng nên quận chỉ phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật chứ không thể đốc thúc các hộ kinh doanh đóng tiền" - ông Hiển cho biết.
Ông Trần Lành, cán bộ Văn phòng Đại diện VCPMC tại Đà Nẵng, cho rằng theo luật cùng một số công ước quốc tế, khi âm nhạc vang lên, ngoại trừ ở gia đình, còn các tổ chức, cá nhân nếu khai thác và sử dụng tác phẩm của các tác giả thì buộc phải xin phép và trả tiền. "Nhà hàng, khách sạn hay quán cà phê, karaoke… khi sử dụng âm nhạc để kinh doanh sinh lợi thì phải đóng tiền. Đà Nẵng đã triển khai việc thu tiền tác quyền âm nhạc ở các cơ sở này từ năm 2013 chứ không phải việc mới mẻ gì" - ông Lành nhấn mạnh.
Doanh nghiệp không đồng tình
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Cường - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết ở Khánh Hòa, việc thu tiền tác quyền âm nhạc chỉ tiến hành tại TP Nha Trang và Cam Ranh. Việc thu phí là của VCPMC phía Nam, Phòng Văn hóa Thông tin chỉ phối hợp khảo sát, tập huấn.
Theo ông Cường, việc thu phí đã diễn ra từ năm 2014 nhưng số lượng khá hạn chế - khoảng 150 đơn vị, gồm khách sạn, quán karaoke, nhà hàng, quán cà phê. Trong năm 2017, do nhiều khách sạn phản đối nên ngày 9-11 tới, VCPMC phía Nam sẽ làm việc với TP Nha Trang theo hướng rút khách sạn ra khỏi danh sách thu khoản phí này. Vì thế, số lượng có thể giảm xuống còn 100 đơn vị.
Với 150 đơn vị như hiện nay, tiền tác quyền âm nhạc ở TP Nha Trang mỗi năm thu được khoảng 600 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều người kinh doanh cà phê, nhà hàng ở TP Nha Trang hiện không đồng tình với việc thu tiền tác quyền âm nhạc.
Ông Đỗ Xuân Tạo - chủ một nhà hàng trên đường Trần Phú, TP Nha Trang - cho biết cơ quan chức năng có mời ông lên để phổ biến, đưa hợp đồng thu khoản phí tác quyền nhưng ông không đồng ý. "Quán khi mua đĩa đã có tem, nghĩa là đã trả tiền bản quyền rồi, việc bắt trả thêm khoản tiền tác quyền cho các nhạc sĩ là điều vô lý. Nếu tôi nói mình mở nhạc cho cá nhân tôi nghe thì sao? Nhiều năm nay, tôi không đóng tiền cũng không thấy cơ quan chức năng nào có ý kiến. Việc trả phí dựa vào tinh thần tự nguyện là chính" - ông Tạo bày tỏ.
Ông Đinh Văn Cường thừa nhận hiện nay, chỉ quán karaoke và một số đơn vị lớn, có tên tuổi mới ký hợp đồng trả tiền tác quyền. Nhiều cơ sở kinh doanh khác không đồng tình, không trả phí. VCPMC đã đề nghị thanh tra, kiểm tra nhưng Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa cũng chưa có chủ trương gì khác.
Đang đàm phán thu tiền tác quyền ở khách sạn
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết hiện sở này chưa nắm được thông tin hay văn bản nào về việc đề nghị các quán cà phê trên địa bàn phải đóng tiền tác quyền âm nhạc.
Theo bà An, riêng việc thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi ở khách sạn tại Đà Nẵng đang được Hiệp hội Khách sạn TP và VCPMC đàm phán. "Nếu hai bên đàm phán được và ra một quy ước chung thì việc đóng tiền tác quyền hay không sẽ được thực hiện theo như thỏa thuận của các bên" - bà An nói.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu dừng thu
Tháng 6-2017, VCPMC đã bị nhiều chủ quán cà phê lên tiếng phản đối về việc thu phí tác quyền âm nhạc. Ngay sau đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, đã có buổi gặp gỡ báo chí, khẳng định trung tâm này đã có bản quy định về mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc, áp dụng từ ngày 1-10-2015. Theo đó, mức nhuận bút tác phẩm tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có 1-30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm; nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống (hát với nhau) sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/năm…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng thông tin VCPMC bắt đầu thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê từ năm 2002. Hiện tại, trung tâm thu được hàng ngàn quán ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh… Năm 2016, số tiền tác quyền thu được ở các quán cà phê là 2,865 tỉ đồng/607 đơn vị kinh doanh, 5 tháng năm 2017 thu được 1,070 tỉ đồng/123 đơn vị kinh doanh.
Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội tháng 6-2017, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng sử dụng các bài hát của nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại thì phải trả tiền cho tác giả theo điều 26, 33 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và điều 35 Nghị định 100. Bộ trưởng khẳng định việc thu phí của VCPMC vừa qua là có cơ sở. Tuy nhiên, cách thu, hình thức thu còn một số vấn đề - như: thu thế nào, ai ủy quyền, có căn cứ khoa học hay không, mức thu đã được thỏa thuận chưa… - phải bàn lại.
Sau khi có ý kiến phản đối từ dư luận, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu VCPMC dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu như vậy đã đúng chưa. Bao giờ làm đúng theo quy định pháp luật, VCPMC mới tiếp tục thu.
Bình luận (0)