Chiều 10-8, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo - đề nghị các thành viên của ban, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa".
Cơ bản đáp ứng tiến độ
Nhấn mạnh đây là thời điểm lịch sử quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành hệ thống đường cao tốc từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây và kết nối các vùng trong cả nước, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ dự án. "Chỉ bàn làm, không bàn lùi; vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, vướng cấp nào, cấp đó giải quyết; nói đi đôi với làm, đã làm phải có kết quả có thể "cân, đong, đo, đếm" được" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng chỉ rõ Hà Nội và TP HCM gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng với quyết tâm cao, 2 đô thị lớn này đã cơ bản GPMB cho các dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP HCM. Qua đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định với quyết tâm cao, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì không có vấn đề nào không thể giải quyết, không khó khăn nào không thể vượt qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải Ảnh: TTXVN
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết đến nay, công tác GPMB cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, với 5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ bàn giao mặt bằng cao như Hà Nội 87%, TP HCM 92%, Long An 96,9%, Hậu Giang 91%... Tuy nhiên, tiến độ GPMB của dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP HCM, tuyến kết nối Cảng Hàng không quốc tế Long Thành còn chậm so với mặt bằng chung.
Về việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, dù Thủ tướng có nhiều chỉ đạo nhưng việc triển khai tại dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm. Với dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, TP Hà Nội đã họp và triển khai thủ tục giao mỏ, cấp mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Trong khi đó, dự án đường Vành đai 3 TP HCM và dự án Biên Hòa - Vũng Tàu gặp khó khăn về vật liệu đắp; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang và TP Cần Thơ chưa triển khai các thủ tục để khai thác mỏ tại tỉnh An Giang.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra hiện trường; đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 4 dự án đường bộ cao tốc vào cuối năm nay. Tuy vậy, thời gian sắp tới sẽ bắt đầu vào mùa mưa bão, có thể ảnh hưởng tiến độ.
Chỉ rõ vướng mắc ở đâu, ai giải quyết?
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các địa phương tích cực GPMB, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng còn một số hạn chế trong công tác GPMB. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải vào cuộc trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, giải quyết dứt điểm vướng mắc, bức xúc của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Về tình hình nguyên vật liệu đang khó khăn tại các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong tuần tới.
Về huy động vốn, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục, không để kéo dài thời gian. Liên quan các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), ngoài vốn đầu tư công, ngành ngân hàng cần nghiên cứu, có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư hạ tầng. Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị tư vấn phải công tâm, khách quan, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, với tinh thần hài hòa lợi ích các bên.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các địa phương phải xác định việc đầu tư hạ tầng tại địa phương là đầu tư cho phát triển, tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới. Do đó, các tỉnh, thành phố cần cập nhật quy hoạch mới và thành lập tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan trong thẩm quyền, hỗ trợ tích cực cho chủ đầu tư, nhà thầu.
Cùng với việc cho ý kiến về một số dự án cụ thể, Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần hoàn thành sớm các thủ tục pháp lý; phải chỉ ra vướng mắc ở đâu, nội dung gì, ai giải quyết? Đồng thời, phải cân đối nguồn vốn linh hoạt, hài hòa; nếu có vướng mắc thì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để giải quyết.
Thủ tướng giao Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị; bảo đảm làm đúng quy định pháp luật và tuyệt đối chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Nhiều dự án chuyển động tích cực
TP Hà Nội và TP HCM đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục để đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên đầu năm 2024.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã nhận bàn giao 100% mặt bằng khu vực sân bay Long Thành và 59/126 ha. Đồng thời, đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu 5.10 nhà ga hành khách; dự kiến hoàn thành chấm thầu, thương thảo hợp đồng để khởi công trong tháng 8-2023 và dự kiến khởi công hạng mục đường cất/ hạ cánh trong tháng 8-2023. Tổng công ty này cũng đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của gói thầu nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trong tháng 8-2023.
Những vướng mắc pháp lý của các dự án thành phần tồn đọng của dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã được giải quyết cơ bản, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024...
Bình luận (0)