Thiên tai là điều không thể tránh. Đây là một trong những nỗi lo lắng đến hãi hùng của cả loài người chứ không riêng quốc gia nào. Nhưng nói như thế không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận số phận, chấp nhận sự đánh đổi lớn nhất là tính mạng của người dân mỗi khi thiên nhiên cuồng nộ.
Trong những ngày mưa lũ vừa qua, người dân đã thiệt hại quá lớn với những điều đã được báo trước. Đợt mưa lũ không quá bất ngờ bởi nó thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão hằng năm. Ngay khi cơn áp thấp nhiệt đới ập vào, cơ quan khí tượng thủy văn đã cảnh báo từ sớm về cường độ và địa điểm. Thế nhưng, rất nhiều lãnh đạo các địa phương vẫn chủ quan, không ưu tiên việc chống lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân sau các sự vụ thường ngày. Khi hậu quả xảy ra, khi nhìn thấy nguy cơ quá lớn mới tất bật chống đỡ nhưng đã muộn.
Những ngày này, khi phóng viên Báo Người Lao Động đến thôn Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) - nơi 18 người bị đất lở chôn vùi trong đêm - không khí tang thương vẫn bao trùm. Tiếng khóc của mẹ già, con trẻ cố giấu vào trong lòng nhưng vẫn lan qua từng ngõ nhỏ. Ba ngày đủ để làm nhiều điều, đủ để cán bộ xuống tận từng nhà để yêu cầu, thậm chí phải cưỡng chế người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Hơn ai hết, người dân biết mình và gia đình luôn đối mặt hiểm nguy từ những triền đồi, vách núi cheo leo mỗi khi bão lũ. Thế nhưng, họ đâu có được nhiều sự lựa chọn. Nguy hiểm nhưng họ phải sống bởi nơi đó gắn liền với sinh kế, với những khoản thu nhập dù chẳng đủ để giúp gia đình vượt qua khốn khó.
Các lãnh đạo địa phương, đại diện cơ quan liên quan rồi sẽ có những tổng kết, phân tích khoa học giải thích cho tất cả những hậu quả nặng nề cũng như thương tâm xảy ra mà người dân phải gánh chịu. Không ít người sẽ cố quên rằng lẽ ra họ có thể làm được nhiều hơn, hậu quả sẽ ít thảm khốc hơn. Bao giờ phòng chống thiên tai cũng hiệu quả hơn nếu xuất phát từ thực tế sinh tử, từ mất mát và hiểm nguy thay vì từ các báo cáo và hội nghị. Rồi khi hậu quả xảy ra, đâu đó người ta vẫn loanh quanh, tìm cách né tránh. Ngay những ngày này, khi hàng ngàn hộ dân tại 3 xã ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bị ngập nhà, mất hoa màu do vỡ đê nhưng ông Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội vẫn vòng vo giải thích "vỡ đê có kế hoạch"!
Phòng chống thiên tai là chấp nhận thiệt hại nhỏ nhất trong sự chuẩn bị tốt nhất chứ không phải cam chịu trả giá lớn nhất cho sự chểnh mảng.
Bình luận (0)