Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh CHIẾN THẮNG, viết bài "Chính phủ là công bộc của dân" đăng trên Báo Cứu Quốc số 46, ngày 19-9-1945. Trong đó, Người viết: "Người xưa nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh".
Như vậy, chỉ chưa đầy 3 tuần khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 2-9-1945) - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu tối cao đối với đội ngũ cán bộ của bộ máy nhà nước, thể hiện tầm tư duy sắc bén trước vận mệnh mới của đất nước. Lời dạy của Bác qua bài báo nói trên đến nay vẫn nguyên giá trị.
Gần 80 năm trôi qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ cán bộ của ta ở các cấp, các nơi, được giao bất kỳ nhiệm vụ nào cũng đều ra sức cố gắng làm việc hết mình với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ; nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm được Nhà nước ghi nhận, nhân dân hết lời ca ngợi.
Cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân hỗ trợ người dân Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: LỆ SƠN
Tuy nhiên, cũng có không ít cán bộ do thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng, thiếu tu dưỡng phẩm chất lối sống; không theo tinh thần mình vì mọi người mà chỉ biết thu vén cá nhân. Cho nên, đã không ít cán bộ do vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước nên bị xử lý nghiêm minh.
Vai trò của cán bộ (công bộc) rất quan trọng, có tính quyết định công việc thành hay bại. Do vậy, bất cứ lúc nào, làm gì thì yêu cầu đầu tiên đối với cán bộ phải làm là nghĩ đến dân, hiểu cho được dân muốn gì, dân đang cần gì, dân thắc mắc điều gì?
Nói tóm lại, công việc của cán bộ phải thật sự đi vào lòng dân. Có như thế thì khi nói với dân mới có tính thuyết phục, khi vận động dân mới nghe theo; khi tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì dân mới tin và sẵn sàng hưởng ứng.
Khi "mặt trận lòng dân" đã được cán bộ làm chủ thì mọi phong trào thi đua yêu nước có khó đến mấy cũng sẽ thành công, bởi "Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Đây là điều đã thành chân lý bất biến.
Bình luận (0)