Ngoài động thái nói trên, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn ký tờ trình đề nghị Thủ tướng trình Chủ tịch nước xét truy tặng Huân chương Dũng cảm cho sinh viên Nguyễn Văn Nhã.
Một ngày trước đó, sinh viên này cũng đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Ngoài gửi lời chia buồn và thăm hỏi tới gia đình Nguyễn Văn Nhã, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm, đồng thời xem xét công nhận liệt sĩ cho sinh viên Nguyễn Văn Nhã.
Truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho sinh viên Nguyễn Văn Nhã. Ảnh: ĐTN
Trong một diễn biến khác, đông đảo sinh viên, giảng viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) - nơi có sinh viên năm 4 ngành công nghệ thông tin Nguyễn Văn Nhã theo học, mỗi người cầm theo một ngọn nến nhỏ đã đến tham gia lễ tưởng niệm vào đêm 4-5 để tiễn đưa sinh viên dũng cảm này.
Tất cả những việc làm nói trên, ngoài việc thể hiện sự ghi nhận, biểu dương, tri ân, thì còn mang một ý nghĩa lớn hơn nữa, đó chính là nhen lên điển hình về cái đẹp của tuổi trẻ, của tinh thần xả thân với lý tưởng sống "mình vì mọi người".
Cũng là chuyện trong trường học, những ngày qua dư luận phẫn nộ trước thông tin về hành vi của giáo viên Khúc Xuân Hòa ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Trước việc học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không mặc đồng phục, mặc quần rách tới trường..., giáo viên này đã gọi các em lên bục giảng, liên tục tát mạnh vào mặt các em. Có em đã đứng không vững sau cú tát quá mạnh hay cú đá của thầy giáo vào ngực.
Ngay sau sự việc này, Hội đồng Kỷ luật của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn đã họp, thống nhất xử lý bước đầu tiên là đình chỉ giảng dạy và xem xét chấm dứt hợp đồng với giáo viên này. Xử lý bước đầu của Hội đồng Kỷ luật Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn trong sự việc này đã cho thấy sự kiên quyết với hành vi phản giáo dục. Học đường là môi trường chuẩn mực để giáo dục con người, cho nên ở đó rất cần thải loại ngay những hành vi ứng xử phản giáo dục.
Nhìn vào xã hội Việt Nam chúng ta ngày nay, rất đáng mừng trước sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, nhưng cũng thật đáng lo khi đó đây đã xảy ra không ít biểu hiện về sự xuống cấp của đạo đức, về sự lên ngôi của thói ích kỷ, chạy theo lối sống chỉ biết cho mình, vun vén cá nhân mà dửng dưng trước lợi ích của cộng đồng.
Chính vì thế, lối sống đẹp và những hành xử nhân ái không chỉ cần được tôn vinh, xây dựng trong môi trường giáo dục như một chuẩn hóa của học đường mà rất cần được lan tỏa trong toàn xã hội, đặc biệt với lớp trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nói không với cái xấu, tôn vinh và lan tỏa cái tốt chính là một cách để góp phần làm cho đất nước phát triển ngày càng bền vững, giàu về vật lực và giàu cả nhân cách.
Bình luận (0)