Hình ảnh những xóm làng, phố phường ngập chìm trong lũ; những con đường bị sạt lở; lũ quét, lũ xoáy từ thượng nguồn đổ về hạ du, gây ra những thiệt hại về nhân mạng, tài sản... làm nhói lòng người dân cả nước.
Nhưng tang thương vẫn chưa dừng lại, con số thiệt hại về nhân mạng vẫn tăng lên. Hai hôm qua đến nay, cả nước lại dõi theo đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế và những người lính Quân khu 4 đi cứu nạn công nhân (CN) thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị sự cố sạt lở núi, vùi lấp nhà điều hành nhà máy thủy điện này.
Đoàn 21 người đi từ 14 giờ ngày 12-10, đến 22 giờ cùng ngày nghỉ chân ở nhà của Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Đến 0 giờ ngày 13-10, vụ lở núi xảy ra, đất đá vùi lấp khu nhà, 8 người thoát được ra ngoài, 13 người mất tích (gồm 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương - trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4)... Cũng thời điểm này, vẫn còn 17 CN của nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 mất tích...
Lực lượng quân sự lên xe chuyên dụng, tham gia cứu hộ những người mất tích ở Rào Trăng 3 - Ảnh: QUANG NHẬT
Trong ngày 14-10, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa trực thăng lên vùng xảy ra sự cố để tìm người, cứu nạn và tiếp tế lương thực cho một số CN ở các nhà máy thủy điện bị lũ chia cắt, không liên lạc được với bên ngoài.
Trước đó, người dân cả nước phập phồng dõi theo việc giải cứu thuyền viên của tàu Vietship 01 trên vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị suốt hơn 50 giờ. Cùng với bộ đội biên phòng, ngư dân Võ Văn Thụ đã tổ chức nhóm ngư dân đưa thuyền ra tiếp cận cứu hộ. Với ông Thụ, là ngư dân thì không thể làm ngơ khi thấy người gặp nạn trên biển. Đến khi phương tiện trên biển không thể tiếp cận, máy bay trực thăng và bộ đội đặc công đã giải cứu 8 thuyền viên còn lại trên tàu.
Với những người lính, đó là phận sự vì nước vì dân, là trách nhiệm được giao phó. Lo cho mạng sống của thuyền viên trên biển hay của CN thủy điện Rào Trăng mà những người lính cùng các cơ quan chức năng quyết tâm giải cứu trong điều kiện cực kỳ khó khăn của địa hình, thời tiết; đương đầu với hiểm nguy. Đó cũng là cuộc chiến thời bình, giành lại cuộc sống và sự an lành cho người dân sau các sự cố, hiểm họa thiên tai... Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và sự quên mình của những người vì dân vì nước luôn được khắc ghi. Mong sao những người trên đường công tác cũng như người dân vùng bão lũ đều được bình an vô sự, thiệt hại nếu có cũng là thấp nhất...
Góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung, Báo Người Lao Động cùng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp tiền, hàng cứu trợ. Những cánh cửa tại trụ sở chính của báo tại TP HCM và các văn phòng đại diện của báo tại miền Bắc, miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ đều rộng mở đón bạn đọc bên cạnh tài khoản ngân hàng luôn tiếp nhận kịp thời. Những phần quà đưa đến tay người dân đang lả đi sau nhiều ngày chống chọi với lũ dữ là tình cảm của người dân nước Việt, là tình Tổ quốc nghĩa đồng bào, "lá lành đùm lá rách" để đùm bọc nhau, dắt nhau qua hoạn nạn.
Từ những tấm lòng nhân ái, những chuyến đi đến nơi cần được cứu trợ kịp thời, đã lan tỏa những câu chuyện đẹp về tình người...
Bình luận (0)