Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải, việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố là nhiệm vụ hết sức quan trọng, lâu dài. Trong đó, cán bộ, đảng viên giữ vai trò nòng cốt, là hạt nhân truyền cảm hứng tích cực cho nhân dân.
Phóng viên: Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác và kết quả thời gian qua?
- Phó Bí thư Thành ủy TP HCM NGUYỄN HỒ HẢI: Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác là chủ trương lớn, mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa, có tầm chiến lược trong tổng thể phát triển TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải. Ảnh: QUỐC ANH
Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh là để tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của cán bộ, đảng viên, người dân thành phố mang tên Bác. Qua đó, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn, đồng thời nâng cao niềm vinh dự, tự hào trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân thành phố.
Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng thiết chế về Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tế.
Cụ thể: Trưng bày các tư liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống; tổ chức các hành trình về nguồn; xây dựng chuyên mục giới thiệu gương "người tốt, việc tốt", các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo…
Việc ra mắt Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại các địa phương, đơn vị với những việc làm thiết thực đã thực sự tạo hiệu ứng tích cực. Bước đầu, "những mảng ghép" về xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố đã hình thành.
Vai trò của cán bộ, đảng viên thế nào trong việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh và lan tỏa các mô hình hay, thưa ông?
- Như chúng ta đã biết, việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM là nhiệm vụ hết sức quan trọng, lâu dài. Trong đó, cán bộ, đảng viên giữ vai trò nòng cốt, là hạt nhân truyền cảm hứng tích cực cho nhân dân.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thăm Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở Báo Người Lao Động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thời gian qua, nhiều cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy TP HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt đến đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tại các địa phương, đơn vị. Ngoài việc xây dựng không gian văn hóa tại đơn vị, cán bộ, đảng viên còn bám sát định hướng, tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú.
Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở không gian vật thể như thiết kế, trưng bày tư liệu, sách báo, hình ảnh về Bác... mà còn xây dựng không gian phi vật thể thông qua tọa đàm, biểu diễn văn hóa, văn nghệ.
Những việc làm hay, thiết thực của cán bộ, đảng viên đã truyền cảm hứng và nhận được sự hưởng ứng từ đoàn viên, hội viên, đoàn thể, các tổ chức quần chúng, góp phần tạo nên phong trào thi đua sâu rộng trong cộng đồng về một chủ trương lớn, phù hợp ý Đảng, lòng dân.
Để bảo đảm xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh mang tính ổn định, bền vững thì cần chú ý những yếu tố gì, thưa ông?
- Theo tôi, việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên trong nhiều nhiệm kỳ cho đến khi hoàn thành. Trong quá trình thực hiện, cần chú ý ít nhất 4 yếu tố.
Thứ nhất, cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp phải có kế hoạch. Nội dung thực hiện phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Định kỳ có kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP HCM gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác. Cùng với đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các thiết chế văn hóa; quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo dấu ấn riêng cho TP HCM cũng như đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên không gian mạng, báo chí về xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh.
Thứ ba, xuất phát từ hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam để sớm xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, con người thành phố mang tên Bác gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này thực hiện thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh - thiếu nhi, phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thứ tư, rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc xây dựng văn hóa và con người TP HCM. Từ đó, tập trung xây dựng và phát triển TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
Nhiều cách tuyên truyền hiệu quả
Khi triển khai xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, đã có nhiều điển hình tuyên truyền hiệu quả tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là chuyên mục "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh" trên trang cộng đồng Cột cờ Thủ Ngữ (quận 1); Tủ sách Hồ Chí Minh điện tử, chuyên mục "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh - Lời Bác dạy" (quận 6); giới thiệu ứng dụng "Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh" trên internet với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Hàn (quận 7); ứng dụng công nghệ để đưa Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh lên mạng thông qua hình thức bảo tàng trực tuyến, tủ sách điện tử, mô hình 3D (quận Bình Thạnh); thư viện điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thủ Đức)….
Ngoài ra, đài truyền thanh ở nhiều huyện đã duy trì phát thanh các chuyên mục "Học tập và làm theo Bác", "Câu chuyện về Bác"…
Bình luận (0)