Một ngày cuối tháng 3, sau khi tiếp nhận thông tin người dân phản ánh về một cống thoát nước trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TP HCM) bị tắc, dù giữa mùa dịch Covid-19 nhưng nhóm công nhân trực chiến của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM (gọi tắt Công ty Thoát nước đô thị) đã lập tức trực chỉ địa chỉ trên để xử lý sự cố và không quên gọi cho chúng tôi - những người đã "đặt hàng" theo chân trước đó.
Mỗi lần công nhân thoát nước xuống lòng cống khắc phục sự cố là mỗi lần đối diện với nguy hiểm rình rập
"Cuộc chiến" dưới lòng đất
Đường vắng vì lệnh cách ly xã hội nên chỉ tầm 15 phút là đội "cứu hộ" có mặt. Sau 1 phút hội ý, anh Huỳnh Minh Chiến (49 tuổi, công nhân nhiều kinh nghiệm) xung phong sẽ là người chui xuống kiểm tra. Ngoài bộ đồ bảo hộ, thiết bị anh Chiến mang theo là cây bút thử điện. Chừng 5 phút, ở dưới lòng đất, anh Chiến chui lên thông báo mối nguy rò rỉ điện không còn rình rập nhưng anh lại cảnh báo dưới lòng cống ngoài bùn đất còn có cả những chiếc khẩu trang y tế trôi xuống nên việc nạo vét cần tiến hành cẩn thận.
Khác với những lần trước, lần này, 4 công nhân trong nhóm phải lần lượt xuống cống để thực hiện công việc nhằm bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Cứ ngỡ sự cố sẽ được nhanh chóng khắc phục, vậy mà, sau 15 phút vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nóng ruột, chúng tôi nhoài người nhìn vào trong lòng cống, ngoài mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi thì quang cảnh bên dưới thực sự khiến ai thấy cũng phải choáng. Ngoài hệ thống dây điện, viễn thông chằng chịt, rác thải, bùn đất cũng đùn lên thành ụ to.
Vừa đưa lên khỏi lòng cống nào là chai nhựa, khẩu trang y tế, từng mảng bùn bện chặt vào nhau, anh Chiến nói dưới đó tối om. Đèn pin cũng chẳng đủ thấy và tất cả công nhân khi nạo vét gần như là mò mẫm nên việc khắc phục sẽ tiến hành lâu hơn so với dự kiến. "Đặc biệt, thông báo thì ở giữa cống có một ống cấp nước và một cáp điện cắt ngang nhưng hiện giờ, nhóm công nhân chỉ thấy có một ống màu xanh nên vừa hút bùn vừa phải cẩn thận" - anh Chiến nói xong liền trở lại tiếp tục công việc.
Sau hơn 2 giờ nạo vét cống thoát nước giữa lằn ranh nguy hiểm, nhóm công nhân của Công ty Thoát nước đô thị đã làm xong phần việc của mình.
Những ngày này, không chỉ anh Chiến mà tất cả công nhân Công ty Thoát nước đô thị vẫn đang từng ngày trực chiến để kịp thời tỏa đi các ngả đường sau khi nhận tin báo. "Giữa mùa dịch, nhiều người đã phải chịu thiệt thòi vì bị ảnh hưởng kinh tế rồi nên mình phải nhanh nhạy để người dân không phải chờ lâu dễ sinh bực bội" - anh Chiến nói vui và yêu cầu chúng tôi cùng về hướng quận 11 - nơi người dân trên cùng con đường Âu Cơ vừa báo có sự cố về cống thoát nước.
Dây điện, cáp án ngữ ngay miệng cống
Nghề nguy hiểm
Quá 13 giờ, sự cố cống thoát nước thứ hai mới được khắc phục, một xe tải nhỏ chở bùn cũng đầy ắp. Khi anh Chiến và 3 đồng nghiệp rời khỏi cống, việc đầu tiên là uống lấy hớp nước nóng để bớt lạnh.
Lúc này, khuôn mặt ai cũng bơ phờ và thân thể bốc mùi hôi. Dường như các anh đã quen với việc này nên luôn tìm cách tránh xa để không làm phiền mọi người. Trò chuyện, nhờ các anh nói đôi chút về công việc nhiều vất vả này, nhận lại là nụ cười và chia sẻ nhẹ tênh của anh Chiến: "Mùa nào cũng phải lập tức có mặt, mình không kịp thời xử lý sự cố thì ai làm, trong khi đây lại là chuyên môn của mình".
Thế nhưng, không cần phải tìm hiểu sâu cũng đủ thấy nghề của anh Chiến là nghề nguy hiểm. Ngoài những sự cố được các anh cho là nhỏ như đứt tay, chân vì vướng mảnh chai thì đã có không ít sự cố nghiêm trọng xảy đến với nghề này. Cách đây 2 năm, một số công nhân trong tổ của anh Chiến từng suýt bỏ mạng khi đang thực hiện nhiệm vụ nạo vét cống ở đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TP HCM). "Lúc anh em đang làm thì bất ngờ dòng điện bị rò rỉ, may chỉ bị thương chứ không thiệt hại về người" - anh Chiến nhớ lại và cho hay kể từ sự cố đó, giờ cứ chui xuống cống là anh và mọi người phải kiểm tra an toàn điện nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.
Ngoài nguy cơ đối mặt tình trạng rò rỉ điện khi ở dưới lòng cống, công nhân thoát nước còn đối diện với tình trạng yếm khí vô cùng nguy hiểm. Thống kê cho thấy trong 8 năm qua, tại TP HCM đã có gần 20 vụ nổ các hố ga, giếng tách dòng. Vụ việc nghiêm trọng nhất là vào năm 2015, tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn cạnh chân cầu Hậu Giang, quận 6), khi 3 công nhân đang chui xuống hố ga để vệ sinh thì phát nổ và lửa phụt lên làm 3 công nhân phỏng nặng.
Không quy hoạch sớm sẽ hối tiếc
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, mối nguy đến với công nhân thoát nước có nguyên nhân chính yếu là không gian ngầm chưa được quy hoạch bài bản. Nguyên nhân này cũng khiến tốn kém thêm chi phí xây dựng. Điển hình, khi thi công cầu vượt bộ hành ở khu trung tâm TP, phải tốn khá nhiều kinh phí để sắp xếp lại hạ tầng xung quanh, như di dời hệ thống viễn thông, hệ thống ống cấp nước 250 mm... Theo đại diện Sở Xây dựng TP HCM, các công trình đều có bản vẽ cụ thể từ hệ thống cấp nước, thoát nước, viễn thông, lưới điện, công trình ống cống nhà dân... Tuy nhiên, nếu kiểm tra thực tế thì lại khác, mọi thứ phức tạp hơn. Mỗi lần di dời và sắp xếp lại, chi phí không phải là ít.
Một lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển đô thị TP HCM cho biết suốt một thời gian dài việc quan tâm đến các công trình ngầm không được chú trọng và theo hướng mạnh nhà ai nấy làm. Vì vậy, đã có nhiều công ty nước ngoài khi đầu tư vốn vào các dự án hạ tầng ở TP đều lắc đầu khi không có dữ liệu đầy đủ về các công trình dưới lòng đất. Vị lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển đô thị TP HCM này dẫn chứng khi tiến hành chỉnh trang lại dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều công ty tư vấn giám sát từ Mỹ và Nhật liên tục "đau đầu" khi thấy hàng loạt dây viễn thông, điện lực và ống cấp nước nằm như mạng nhện khiến công việc đào đường và thi công gặp khó.
Trước thực trạng trên, KTS Trần Vĩnh Nam cho rằng TP cần sớm quy hoạch không gian ngầm bài bản giống như quy hoạch trên mặt đất. Khi có quy hoạch thì việc ngầm hóa lưới điện vô cùng dễ dàng và không còn tình trạng rối rắm dưới lòng đất như hiện nay.
Lấy kinh nghiệm từ Singapore, KTS Trần Vĩnh Nam nói rằng khi không gian ngầm được quy hoạch bài bản thì càng có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và hơn cả sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên mặt đất. Ở Singapore, vào buổi sáng, cư dân có thể từ chung cư xuống tầng hầm để đi ra các ga tàu điện ngầm. Ở sở làm, nhân viên văn phòng cũng di chuyển bằng các lối đi bộ ngầm để đến siêu thị, cửa hàng để mua sắm và ăn uống.
"Ở Singapore, khi hình thành một khu đô thị mới, các nhà quy hoạch đều tính toán không gian ngầm với tỉ lệ 20%-35% diện tích so với không gian mặt đất. Vì vậy, với đô thị lâu đời như TP HCM, ngay lúc này, nếu không hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm sớm thì tương lai sẽ hối tiếc" - KTS Trần Vĩnh Nam cảnh báo.
Sợ nhất là khu vực Bình Chánh, Hóc Môn
Tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy toàn bộ TP HCM có hơn 130 điểm xung đột giữa điện với các công trình thoát nước. Trong đó, quận Bình Thạnh, quận 4 và quận Bình Tân được cho là nơi xảy ra "cuộc chiến" dưới lòng đất nhiều nhất. Đơn cử như ở Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), mỗi khi qua một giao lộ thì ống thoát nước cắt với cáp điện, khiến các công nhân thoát nước mệnh danh đây là "con đường tử thần".
Thế nhưng, các công nhân thoát nước cho rằng họ sợ nhất là khu vực huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Ở đây, nhiều khu dân cư tự phát và xây dựng kiểu mạnh ai nấy làm nên ống cống rất nhỏ, dây điện bó thành bó to khiến việc khắc phục sự cố thoát nước vừa khó vừa nguy hiểm.
Bình luận (0)