Cách đây chừng chục năm, khi thủy điện Sê San 4 chặn dòng tích nước thì dòng sông Sê San trở nên rộng lớn, cá tôm dồn về nhiều vô kể. Kể từ đây, nhiều hộ dân từ các tỉnh ĐBSCL đã di cư lên khu vực dòng sông này để mưu sinh.
Ban đầu chỉ 1, 2 người lên tìm mua thuyền để làm nghề chài lưới. Dần dà, tiếng đồn về dòng sông Sê San (đoạn xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) trù phú cá tôm khiến cho nhiều người dân miền Tây quyết về đây tìm cuộc sống mới. Tuy vậy, ban đầu với việc di cư tự phát, người dân không có giấy tờ tùy thân, chỉ sống lênh đênh trên mặt nước nên việc mưu sinh rất khó khăn. Phải nhiều năm sau, 29 hộ dân mới được chính quyền tỉnh Kon Tum tạo điều kiện cấp 400 m2 đất và 50 triệu đồng/hộ để họ xây nhà, ổn định cuộc sống, con cái được đi học.
Làng chài miền Tây trên lòng hồ Sê San
Ông Nguyễn Văn Tụng (70 tuổi, quê An Giang) sinh sống trên khu vực lòng sông Sê San được 2 năm nay. Từ hơn chục năm trước, 2 con trai của ông khi biết tin thủy điện chặn dòng, tạo thành hồ lớn đã mua chiếc ghe nhỏ mưu sinh. Hằng ngày, cứ đêm đến các con ông Tụng ra hồ đánh cá, ngày thì mang cá đến vựa bán. "Tụi nó kể cứ thả lưới xuống là bắt được cá lăng và nhiều loài cá nữa… mà ở quê mấy năm nay mất mùa nên tôi bán hết ruộng vườn lên đây mưu sinh và để được gần các con" - ông Tụng nói rồi chuẩn bị lưới cho buổi đánh cá ban đêm.
Những người đàn ông ở đây, mỗi đêm đánh lưới, quay rớ, giăng câu cũng kiếm mỗi ngày 200.000 - 300.000 đồng. Ngoài ra, mỗi nhà đều nuôi thêm những lồng cá trắm, lóc, chình… để tăng thêm thu nhập. Còn những người phụ nữ ban ngày mang cá đi bán, phơi khô và làm đặc sản "bánh tráng cá", cá chiên bột bán cho du khách và mang bỏ mối. Lúc rảnh rỗi thì dạy con học hoặc ra phụ giúp cho chồng.
Ngôi làng bình yên ấy cứ níu chân người như không muốn rời.
Bình luận (0)