Ngôi làng có thứ tiếng lạ, độc đáo này là làng Cổ Định (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Theo sử sách, đây là vùng đất cổ xưa nằm dưới chân núi Nưa, nơi vào năm 248, nữ tướng Triệu Thị Trinh đã chọn làm căn cứ chiêu mộ binh sĩ vùng lên chống giặc Ngô xâm lược. Dù cuộc chiến của bà Triệu thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa do bà khởi xướng vẫn vang vọng mãi về sau.
Làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi người dân vẫn còn dùng tiếng cổ để giao tiếp hằng ngày
Ngày nay, núi Nưa hiện là điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa. Hằng năm, có hàng vạn người về đây du lịch chiêm ngưỡng. Tương truyền núi Nưa nơi có huyệt đạo thiêng (là 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất nước) thường được mở cổng trời vào ngày 9 Tết. Ngoài ngắm cảnh đẹp non nước hữu tình, chúng ta còn có thể ghé thăm nhiều di tích độc đáo như đền Am Tiên, đền Nưa…
Đặc biệt, khi về vùng đất núi Nưa, du khách có thể bắt gặp nhiều câu chào nhau, trò chuyện của người dân làng Cổ Định bằng 1 thứ tiếng cổ cứ như "ngoại ngữ" mà chỉ người địa phương mới hiểu được.
Ông Lê Đình Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết Tân Ninh hiện có 11 thôn, nhưng chỉ có thôn 3 (làng Cổ Định) là nói tiếng cổ. Ở đây, già trẻ, gái trai hằng ngày vẫn nói chuyện, trao đổi với nhau bằng thứ tiếng này.
Tiếng cổ hiện chủ yếu những người già, trung tuổi là dùng nhiều trong giao tiếp hằng ngày
Bà Hoàng Thị Lọc (71 tuổi, giáo viên về hưu) cho biết tiếng nói của làng bà không biết có từ bao giờ, nhưng khi lớn lên biết đọc, biết viết là bà đã biết nói rồi. "Tôi có nghe người già trong làng kể tiếng cổ có từ lâu lắm rồi, cách đây phải cả ngàn năm. Ở làng, nhiều người đỗ đạt đi ra, nhưng khi về làng họ vẫn dùng thứ tiếng của làng để trò chuyện"- bà Lọc kể.
Để minh chứng việc tiếng cổ vẫn nói hằng ngày, bà Lọc liệt kê cho phóng viên rất nhiều từ ngữ bình thường chúng ta vẫn nói nhưng bằng tiếng ở làng Cổ Định. "Đầu gối gọi là "trốc cún", đây cấy gọi là "đi cấn", con trâu gọi "con tru", cái chổi gọi là "cái chủn", con gà gọi là "con kha", đi chơi gọi là "đi nhỉn, con vịt gọi là "con vệch"…"- bà Lọc liệt kê.
Cũng theo lời bà Lọc, nhiều người con gái khi lấy chồng về đây đều phải học mới hiểu hết được ý nghĩa của tiếng cổ ở đây, vì hiểu không hết nghĩa sẽ hiểu nhầm sang ý khác ngay.
Cụ bà Lê Thị Sâm chia sẻ về thứ tiếng "lạ" của làng làm bà thường sử dụng khi còn bé
Tại làng Cổ Định, hiện có cụ Lê Ngọc Bá, nguyên trưởng Phòng Giáo dục huyện Triệu Sơn, là người hiểu và có nhiều ghi chép về thứ tiếng "lạ" của làng mình. Trong cuốn sổ đã ố màu, cụ Bá ghi chép rất nhiều, trong đó có nhiều đoạn hội thoại được cụ ghi lại như sau: "Buổi sáng, bà mẹ nói với đứa con: "Giẩu tru đếch xong, bốc chi đớp?". Chiều về bà lại quát con: "Kêu mi vô rú, răng tru viền đướn ăn lọ?". Thằng con khóc: "Ai hay chi mô. Tru mềnh hướn, lè lản liếm tru cấy, lồng chặn bứt đứt chạc. Con chặn theo rạc cẳng, bổ ở ruộng cằn, rọt lộn lên cần cổ, trớt hết bộng, bể cả trốc cún. Chưa chậy bới cấy chi". Bà mẹ quát: "Học không học, giẩu tru không xong, ăn cho tốn cấu".
Thấy phóng viên ngơ ngác, cụ Bá dịch nghĩa: "Bà mẹ hỏi, giữ trâu không xong, lấy cái gì mà ăn? Bảo mày vào rừng, sao trâu lại về dưới ăn lúa? Đứa con trả lời: Ai biết gì đâu. Trâu mình động đực, lè lưỡi liếm trâu cái, lồng lên chạy đứt dây thừng. Con chạy theo mỏi cả chân, ngã ở ruộng, ruột bắn lên cổ, rách hết bụng, vỡ cả đầu gối. Giờ mẹ chửi cái gì". Câu cuối cùng nghĩa là "học không học, chăn trâu không xong, ăn cho tốn gạo".
Cụ bà Lê Thị Sâm (năm nay đã ngoài 90 tuổi) cho biết, tiếng cổ hiện nay lớp trẻ rất ít dùng nữa, nhiều người hiểu nói chuyện với nhau nhưng để viết thì không nhiều người viết được. "Bây giờ, tiếng cổ chủ yếu những người có tuổi như chúng tôi thường dùng hằng ngày, còn giới trẻ rất ít dùng. Thường thì những dịp lễ hội làng hay những công việc đặc biệt, tiếng cổ mới được dùng nhiều"- cụ Sâm chia sẻ.
Làng Cổ Định ở ngay dưới chân núi Nưa, nơi có đền Nưa linh thiêng thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh (bà Triệu)
Theo lãnh đạo xã Tân Ninh, người làng Cổ Định là người dân tộc Kinh, tại đây hằng ngày vẫn sử dụng tiếng phổ thông và tiếng cổ để giao tiếp. Tuy nhiên, khi giao tiếp với người nơi khác và các văn bản hành chính, người dân vẫn dùng tiếng phổ thông. Tiếng cổ chỉ được dùng trong phạm vi hẹp của làng Cổ Định.
Bình luận (0)