Ngày 1-9, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam liên quan chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về việc trình Trung ương xin nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Nông Sơn vào Quế Sơn, giữ nguyên huyện Hiệp Đức.
Ông Lê Văn Dũng chủ trì một cuộc họp tại huyện Hiệp Đức
Theo ông Dũng, căn cứ theo quy định, trong giai đoạn đến năm 2025, Quảng Nam có 2 huyện gồm Hiệp Đức và Nông Sơn không đủ 2 tiêu chí về dân số, diện tích nên phải xem xét sáp nhập.
Qua kiểm tra thực tế của Ban Chỉ đạo triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025 (gọi tắt là BCĐ), có nhiều phương án nhưng tối ưu nhất là đề nghị Trung ương nhập huyện Nông Sơn vào huyện Quế Sơn.
Lý do thứ nhất, huyện Nông Sơn là một phần của Quế Sơn trước đây, điều kiện địa lý, giao thông đi lại thuận lợi, phù hợp. Thứ hai là sự đồng thuận trong nhân dân vì cùng một địa phương ngày xưa. Thứ ba, trong giai đoạn 2026-2030, huyện Quế Sơn không đủ tiêu chí về dân số nên phải tính toán sáp nhập. Bây giờ, nếu nhập Nông Sơn vào Quế Sơn thì giai đoạn 2 không phải tác động đến huyện Quế Sơn nữa.
Về huyện Hiệp Đức, BCĐ đã bàn nhiều phương án sáp nhập nhưng đều bộc lộ nhiều bất cập. Nếu Hiệp Đức sáp nhập cơ học với Nông Sơn thì không thuận lợi về giao thông, không kết nối được. Người dân từ huyện Nông Sơn xuống trung tâm Hiệp Đức nếu đi vòng từ Đèo Le thì mất ít nhất 50 km, đi đường Đông Trường Sơn qua thì mất ít nhất 40 km. Hiện nay giao thông kết nối giữa Nông Sơn và Hiệp Đức rất hạn chế, vì vậy nếu sáp nhập thì việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Điều này khiến người dân của cả 2 địa phương không đồng tình.
Quảng Nam muốn nhập huyện Nông Sơn vào Quế Sơn, giữ nguyên huyện Hiệp Đức
Phương án lấy một số xã của Phước Sơn nhập vào Hiệp Đức thì không được, dẫn đến Phước Sơn thiếu về diện tích, dân số. Tương tự, nếu lấy một số xã của Tiên Phước, Thăng Bình nhập vào Hiệp Đức thì dẫn đến việc 2 huyện trên thiếu tiêu chí về diện tích/dân số.
Hơn nữa, Trung ương khuyến cáo không thực hiện việc "xé nhỏ", lấy một vài xã của huyện này nhập vào huyện kia hoặc lấy một vài thôn của xã này nhập vào xã kia.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nói về chủ trương sáp nhập các địa phương
"Yếu tố thứ hai, Hiệp Đức là một địa phương giàu truyền thống cách mạng. Ngày xưa, Hiệp Đức là vùng căn cứ địa cách mạng Khu ủy Khu V. Có 11/12 xã, thị trấn trước đây là xã Anh hùng. Vừa qua đã sáp nhập Quế Bình với thị trấn Tân An thành thị trấn Tân Bình thì Hiệp Đức còn 10/11 xã, thị trấn Anh hùng. Hơn nữa, Hiệp Đức trong chiến tranh là một hậu phương vững chắc cho chiến trường Khu V và là huyện giải phóng đầu tiên của địa bàn Khu V. Năm 1973, Khu ủy Khu V về đây đặt căn cứ địa để chỉ đạo giải phóng miền Nam. Hiệp Đức cũng là tiền thân của huyện Quế Tiên ngày xưa (bao gồm một số xã thuộc huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình ngày nay). Nếu nói về lịch sử thì Hiệp Đức là một địa bàn có từ rất sớm, từ trong chiến tranh.
Theo quy định của Nghị quyết 35, những huyện không kết nối được giao thông với đơn vị hành chính thì không phải sáp nhập, kết hợp yếu tố lịch sử, văn hóa… như đã phân tích ở trên, BCĐ đề xuất với Ban Thường vụ và Ban Thường vụ đồng ý trình Trung ương, đề nghị cho giữ nguyên Hiệp Đức" – ông Lê Văn Dũng nói.
Được biết, huyện Nông Sơn được tách ra từ huyện Quế Sơn từ năm 2008. Vừa qua, huyện Nông Sơn mới kỷ niệm 15 năm thành lập.
Ngoài đề xuất sáp nhập Nông Sơn vào Quế Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất theo phương án đề xuất của BCĐ là sáp nhập 16 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 8 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Cụ thể, sáp nhập xã Sơn Viên và Quế Lộc (Nông Sơn); xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận (Hiệp Đức); xã Duy Thu và Duy Tân (Duy Xuyên); xã Bình Định Nam và Bình Định Bắc, xã Bình Chánh và Bình Phú (Thăng Bình); xã Tiên Cẩm và Tiên Sơn (Tiên Phước); phường Phước Hòa và An Xuân (TP Tam Kỳ); thị trấn Phú Thịnh và xã Tam Vinh (Phú Ninh).
Bình luận (0)