Sáng 9-12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI, HĐND TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Bà Trần thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn, bà Trần thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết trong giai đoạn vừa qua tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc tăng cao, ngày 6-12 có đến 774 ca, cao nhất từ trước tới nay. Dự báo số ca mắc có thể lên đến 1.000 ca mỗi ngày, mầm bệnh đang tồn tại trong cộng đồng. Dịch bệnh đã lan trong cộng đồng, nguy cơ rất cao tại tất cả các quận huyện, có thể xuất hiện biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng trước đó.
Tuy nhiên, theo bà Hà, tỉ lệ bao phủ vắc-xin ở Hà Nội cao, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm tập trung của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Biến chủng mới Omicron xuất hiện ở Nam Phi, đã ghi nhận ở nhiều nước, có khả năng lây lan cao hơn Delta. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc-xin có thể bảo vệ được người dân đã tiêm chủng trước biến chủng này. Dù chưa ghi nhận trong cộng động, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố giải trình gene những trường hợp nghi ngờ; kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu thực trạng quá tải ở các trạm y tế và chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất ở y tế cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch. Về giải pháp, Sở Y tế sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho hệ thống y tế nhăm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Với ngành y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giải tải cho tuyến trên.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét nghiệm, quản lý F0, F1, không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. Ngành y tế luôn cập nhật, theo dõi, cập nhật thông tin F0 trên phần mềm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.
TP Hà Nội đã triển khai cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà ở tất cả 30 quận, huyện thị xã. Hiện có hơn 21 ngàn F1 và 150 F0 nhẹ đã điều trị tại nhà.
TP Hà Nội phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do TP phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. Khi TP ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng một tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường; với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.
Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, TP Hà Nội chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng một, trong đó 22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã; 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Để đảm bảo việc vận chuyển F0, 140 xe cấp cứu đã được đăng ký trên hệ thống phần mềm điều hành của ngành Y tế; 500 lái xe của 13 đơn vị vận tải đã được tập huấn.
Bình luận (0)