Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 540.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm 30%-50%. Ngoài ra, còn một số lượng đáng kể những người lao động không chính thức chưa được thống kê. Phụ nữ lao động di cư góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước 2 tỉ-2,5 tỉ USD mỗi năm, với mức tăng trung bình 6%-7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2017 (theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, 2019).
Hành trình nhọc nhằn, vất vả
Tuy nhiên, lao động di cư quốc tế là một hành trình nhọc nhằn, vất vả, đặc biệt với phụ nữ. Trước khi đi, họ phải vay mượn, thế chấp, thu xếp gia đình, con cái... Trong khi ở nước ngoài, họ phải tiết kiệm, làm thêm, đối mặt với nhiều nguy cơ bị bóc lột, bạo lực. Khi trở về, họ đối mặt với khó tìm việc làm, trong khi tiền có thể đã hết và còn phải đối mặt với bạo lực gia đình...
Phụ nữ Việt Nam di cư lao động quốc tế ngày càng tăng - Nguồn: ISDS
Phụ nữ di cư chủ yếu làm trong lĩnh vực công nghiệp (37%), giúp việc nhà (32%), dịch vụ (23%), nông nghiệp (8%). Số làm việc dưới 8 tiếng rất ít (4%), chủ yếu họ phải làm việc từ 8-12 tiếng (51%) và trên 12 tiếng (45%).
Lao động nữ di cư phải đối mặt với bạo lực và rủi ro trong quá trình di cư lao động. Trong đó, hơn một nửa gặp khó khăn hay những vấn đề trong quá trình làm việc ở nước ngoài: 40% bị vi phạm quyền; 17% gặp điều kiện làm việc không an toàn; 28,2% gặp các vấn đề về lương.
Ngoài ra, họ phải đối diện với các nguy cơ tai nạn lao động, bị công an bắt. 22% nguy cơ tai nạn lao động đến với người giúp việc nhà, còn 18% nguy cơ bị công an bắt đến với những phụ nữ làm công việc trong lĩnh vực dịch vụ.
"Nhiều chị em cùng đi không gặp được chủ tốt. Họ không cho ăn uống tử tế, nên khi về có chị em ốm yếu và xanh xao, gần 3-4 cân, có khi đến 5-7 cân. Ở xã này có 2 trường hợp, mọi người thậm chí còn không nhận ra họ nữa"- một ý kiến trong thảo luận nhóm ở Hà Tĩnh cho biết.
Một phụ nữ 32 tuổi, quê Quảng Ngãi, đi lao động ở Nga cho biết: "Không có bảo vệ gì cả, vệ sinh nhà ở và nhà tắm thì rất bẩn. Thức ăn thì thiếu thốn. Chúng em toàn phải ăn đồ đông lạnh hàng tháng trời. Cũng có thịt và cá nhưng rau thì hiếm lắm".
"Biết làm thế nào được. Anh ấy bảo là anh ấy đã tiêu hết tiền tôi gửi về để nuôi con và mua này mua kia, tiêu hết rồi. Tôi có nói gì thì nói nhưng tôi có làm gì được nữa?"- một phụ nữ 29 tuổi ở Thanh Hoá, đi lao động ở Ả rập Saudi, chia sẻ.
Nghiên cứu cho thấy 17,9% phụ nữ được hoàn toàn quyết định sử dụng số tiền gửi về; còn tỉ lệ người chồng quyết định là 37,7%; thành viên khác trong gia đình 24%; phụ nữ và gia đình cùng quyết định chiếm 20,4%.
Truyền thông có trách nhiệm
Tại hội thảo trực tuyến về tăng cường vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng do Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tuần qua, bà Valentina Barcucci - Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam nhấn mạnh lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới trong tiến trình di cư. Phụ nữ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới và chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trên cơ sở giới vốn đã hiện hữu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.
Lao động nữ Việt Nam làm việc tại một nhà máy ở Đài Loan (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: DUY QUỐC
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cho biết trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong giai đoạn 2014 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục ngàn người du học, kết hôn với người nước ngoài. Trong thời gian đại dịch, số lượng người di cư theo các kênh chính thống giảm song tình trạng di cư trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Bà Valentina Barcucci đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng, thể hiện qua việc ban hành các khuôn khổ pháp luật chính sách quan trọng, đặc biệt là Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Bên cạnh đó, vai trò của Bộ Ngoại giao rất quan trọng trong tiến trình này, đảm bảo Kế hoạch triển khai thỏa thuận GCM được thông qua và thực hiện. Nỗ lực này đã có tác động đáng kể trong việc đảm bảo di cư an toàn và bình đẳng. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đến được với mọi người dân một cách công bằng.
"Chúng tôi kêu gọi các cơ quan truyền thông báo chí tham gia tích cực hơn và có trách nhiệm hơn trong việc chấm dứt bạo lực đối với lao động nữ di cư"- bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.
Ông Lương Thanh Quảng cũng cho rằng thông tin đầy đủ và chính xác về các vấn đề di cư có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, ngăn chặn di cư trái phép, mua bán người, bảo vệ quyền của người di cư trong suốt quá trình di cư, đặc biệt là lao động nữ di cư.
Theo các chuyên gia ILO và UN Women, cần nhạy cảm giới khi truyền thông về phụ nữ di cư. Truyền thông có đạo đức và có trách nhiệm sẽ giúp nâng cao vị thế bình đẳng cho phụ nữ và bảo vệ quyền lao động của họ.
Các nhà báo cần đưa tin một cách có trách nhiệm và đạo đức về các vấn đề di cư, kể những câu chuyện liên quan đến di cư một cách công bằng, khách quan, không thiên vị và tuân thủ các nguyên tắc đưa tin: Dựa trên bằng chứng và có bối cảnh minh họa chính xác.
Người được phỏng vấn phải được thông báo chính xác và rõ ràng về mục đích của cuộc phỏng vấn cũng như trường hợp sử dụng ảnh. Cẩn thận với việc lựa chọn hình ảnh đi kèm với câu chuyện, những hình ảnh gây hiểu lầm và giật gân có liên quan đến tội ác, bạo lực và lạm dụng có thể gây ấn tượng sai về bản chất của câu chuyện và có thể khiến những người phụ nữ trong câu chuyện trở thành nạn nhân (sang chấn kép).
Cần sử dụng chính xác các thuật ngữ
Điều quan trọng không kém là đảm bảo các nhà báo sử dụng các thuật ngữ liên quan.
Theo chuyên gia, cần tránh xa thuật ngữ "người di cư bất hợp pháp" vì như vậy cho rằng người di cư là tội phạm, cần chuyển sang sử dụng thuật ngữ trung lập theo luật quốc tế là "người di cư không có đủ giấy tờ". Tương tự, thuật ngữ "người trải qua bạo lực" thay cho "nạn nhân bị bạo lực".
Thay thế các cụm từ như "người giúp việc" hoặc "người hầu" bằng "lao động giúp việc gia đình" do việc sử dụng các thuật ngữ này không thừa nhận rằng công việc giúp việc gia đình là một loại hình công việc có các quyền lao động tương ứng.
Bình luận (0)