Báo Người Lao Động ngày 8-8 đã thông tin việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ đối với dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có việc quy định phải gắn thiết bị giám sát hành trình trên ôtô kinh doanh vận tải hành khách, ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải...
Theo Bộ GTVT, quy định này là tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và thực hiện theo kết luận Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm. Đồng thời, để tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải trên địa bàn, Bộ GTVT bổ sung thêm quy định đối với UBND cấp tỉnh: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và chỉ đạo thực hiện gắn camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn.
Chủ doanh nghiệp vận tải sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi hình
Bình luận về quy định này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhấn mạnh việc lắp thêm camera trên xe là không hợp lý vì làm tăng chi phí đầu tư cho doanh nghiệp (DN). Ông Liên nói: "Hàng ngàn tỉ đồng đã được các DN vận tải chi ra để lắp thiết bị giám sát hành trình, nay lại yêu cầu phải thay đổi, lắp mới, tốn thêm hàng ngàn tỉ đồng nữa, như vậy là rất lãng phí".
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt, chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai), cho biết chi phí để lắp thiết bị hành trình có hình ảnh trực tiếp, liên tục rất đắt. Tiền mua camera chỉ gần 2 triệu đồng nhưng tiền chi cho 3G, 4G để truyền trực tiếp hình ảnh về công ty lên đến 10 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - cho rằng việc giám sát hành khách hay lái xe qua camera là cần thiết, vì sẽ phát hiện được xe đón khách dọc đường, nhồi nhét khách; lái xe nghe điện thoại, ngủ gật... Hình ảnh này có thể rà soát để xử lý kịp thời hay phục vụ hậu kiểm, tai nạn. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất là các DN sẽ phải đầu tư thêm thiết bị, tăng chi phí hàng ngàn tỉ đồng. Do đó, cần lấy ý kiến rộng rãi trước khi quyết định. Giám sát hoạt động lái xe là tốt nhưng lắp đặt ồ ạt sẽ gây lãng phí.
Ai cũng có thể kiểm tra
Theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, quy định tại điều 12 dự thảo là cần thiết. Kinh nghiệm các nước tiên tiến bắt buộc lắp camera kết nối GPS trên xe để giám sát cả phương tiện và người điều khiển phương tiện. Mọi thông tin GPS của các loại hình vận tải được công khai trên nền tảng web, bất cứ ai cũng có thể vào xem và kiểm tra, thay vì hiện nay các quy định về quản lý còn nhiều bất cập tạo điều kiện cho DN và các lực lượng chức năng tham nhũng, trốn thuế, xe dù bến cóc, khó phối hợp thực hiện.
Bình luận (0)