Ngày 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Dôi dư hơn 126.000 công an xã, thị trấn
Trình bày tờ trình dự luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết việc ra đời dự luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ theo quy định của Luật Công an Nhân dân năm 2018.
Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 30.000 người. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.084 công an xã, thị trấn bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và phải bố trí cho các chức danh này được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại Quốc hội ngày 11-9 .Ảnh: TTXVN
Về quy định cụ thể trong dự luật, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin: Các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được sắp xếp thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn; các chức danh không phải là người hoạt động chuyên trách. Dự luật quy định bỏ chi trả phụ cấp hằng tháng cho lực lượng này mà chỉ có mức hỗ trợ để giảm chi ngân sách nhà nước.
Góp ý cho dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng băn khoăn sau khi hợp nhất 3 lực lượng thì nhân sự sẽ tăng lên khoảng 800.000 người so với hiện tại, ngân sách cần bổ sung rất lớn. "Chế độ bồi dưỡng hằng tháng thực chất có thể chỉ là cách gọi khác, còn về tính chất vẫn như phụ cấp. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ về điều kiện bảo đảm. Trong khi dự án luật quy định ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng này" - ông Tùng nêu.
Lo gánh nặng ngân sách
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn mô hình, tổ chức tự quản hiện hoạt động khá hiệu quả và dự luật không thấy đề cập sắp xếp là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. "Bộ trưởng báo cáo có giảm kinh phí, tôi không biết ý kiến của Bộ Tài chính thế nào vì đó là điều kiện để bảo đảm hoạt động. Khi thành lập một lực lượng thì không thể nói là làm "chay" được. Rồi còn khoản phụ cấp, BHXH, BHYT, nơi làm việc…" - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiện cả nước có gần 180.800 đơn vị cấp thôn mà theo quy định pháp luật về PCCC, mỗi thôn phải thành lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người. Nếu thành lập hết theo quy định của Luật PCCC thì tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc khoảng 1,8 triệu người. Thực tế hiện nay mới thành lập được 23% trong số này. Ngoài ra, hiện có khoảng 72.000 người bảo vệ dân phố ở các đô thị và trên 126.000 người là công an xã bán chuyên trách. Vì vậy, theo quy định hiện hành, tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vào khoảng 2 triệu người. Với con số này, trung bình mỗi người hưởng mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng thì ngân sách nhà nước phải chi khoảng 600 tỉ đồng/tháng.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nếu nhập 3 lực lượng lại thành một và tính trung bình một thôn có một tổ từ 5 - 10 người thì toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Con số này so với con số theo các luật hiện hành quy định giảm 500.000 người. "Theo quy định của dự thảo luật, hằng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỉ đồng" - Bộ trưởng Tô Lâm giải thích.
Gia tăng người nghiện ma túy
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH họp cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống ma túy sửa đổi. Trình bày tờ trình dự luật, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Luật Phòng chống ma túy hiện hành đã bộc lộ bất cập như chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12-2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%). Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật Phòng chống ma túy sửa đổi.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể trong dự thảo luật về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy, bởi đang có khoảng trống pháp luật về nội dung này.
Bình luận (0)