Ngày 23-8, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Khánh Hòa, khẳng định dù UBND tỉnh đã giao Lầu Bảo Đại cho doanh nghiệp nhưng "đụng" vào 5 biệt thự cổ là phải có hội đồng thẩm định, phải có ý kiến của các sở, ngành liên quan.
Lầu Nghinh Phong tạm đóng cửa để phục vụ công trình khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại Ảnh: NAM PHƯƠNG
Theo Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, danh lam thắng cảnh biệt thự Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang gồm khuôn viên 5 biệt thự cổ, thường gọi là Lầu Bảo Đại. Nằm trên đồi Cảnh Long nhìn ra vịnh Nha Trang, 5 biệt thự có lầu Nghinh Phong, lầu Vọng Nguyệt theo kiến trúc đặc trưng của Pháp. Từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên tới đây nghỉ ngơi nên nơi này vẫn còn lưu nhiều kỷ vật liên quan.
Năm 2011, theo chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý Lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (gọi tắt là Công ty Khánh Hà) thực hiện Dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại. Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp vào năm 2013, Công ty Khánh Hà được sử dụng trên 8,9 ha đất và 4,7 ha mặt nước ở khu vực đồi Cảnh Long để xây dựng mới 45 biệt thự và khách sạn 5 sao 108 phòng.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho chủ đầu tư cải tạo 5 biệt thự cổ và xây nhà hàng, bể bơi, bến thuyền, sân golf, phòng hội nghị, phòng trưng bày… với tổng vốn khoảng 478 tỉ đồng. Năm 2014, UBND tỉnh thu hồi 13,6 ha do Khatoco quản lý, giao cho Công ty Khánh Hà thuê để thực hiện dự án.
Theo phản ánh của nhiều du khách và người dân, gần đây, chủ đầu tư khi thực hiện dự án đã cho đập phá một số công trình, đào bới khiến sườn đồi bị sạt lở... Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, Lầu Bảo Đại đang được chủ đầu tư cào dọc sườn đồi để làm móng các công trình. Do ảnh hưởng từ công trình xây dựng, nguy cơ các biệt thự xuống cấp là không thể tránh khỏi.
Ông Hình Phước Liên, nguyên cán bộ văn hóa tỉnh Khánh Hòa, cho biết Nha Trang được ví là nơi "tứ thủy triều quy, tứ thú tụ" vì 4 mặt của TP có nước bao quanh. Trong đó, "tứ thú tụ" là mượn 4 hòn núi tượng hình 4 con thú ở TP tụ tập lại. Núi Cảnh Long mà Lầu Bảo Đại đang đóng chân là con rồng, gọi là "Thanh long hý thủy".
"Trước đây, bất cứ việc sửa chữa nào ở Lầu Bảo Đại đều được cơ quan chức năng thẩm định. Việc giao cho doanh nghiệp toàn bộ khu vực này, UBND tỉnh cần quy định chặt chẽ, không được làm hư hại cảnh quan" - ông Liên đề nghị.
Ông Nguyễn Triều Dương - Tổng Giám đốc Công ty Khánh Hà - cho biết trong quá trình xây dựng, cải tạo công trình, không thể tránh khỏi việc đào đắp. Một số công trình xây dựng sau này để phục vụ kinh doanh lưu trú, dịch vụ của đơn vị cũ sẽ được phá dỡ. Tuy nhiên, 5 biệt thự cũ chủ đầu tư đang giữ nguyên hiện trạng, chưa sửa chữa, cải tạo bất cứ điều gì. Theo thiết kế được phê duyệt, khi hoàn thành khách sạn, biệt thự, các công trình này đều nằm dưới cốt đường hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Khắc Hà, Lầu Bảo Đại thuộc đối tượng của Luật Di sản. UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất giữ nguyên vẹn kiến trúc bên ngoài và cho phép thay đổi, sửa chữa, nâng cấp không gian bên trong 5 biệt thự. "Việc cải tạo 5 biệt thự như thế nào, mức độ bao nhiêu thì chủ đầu tư phải trình phương án để các cơ quan chức năng lập hội đồng thẩm định, cho ý kiến để vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị" - ông Hà nói.
22 năm chưa lên di tích quốc gia
Ông Hình Phước Liên cho rằng từ năm 1995 đến nay, Lầu Bảo Đại chỉ mới được đưa vào danh sách di tích cấp tỉnh trong khi ở các địa phương khác, biệt thự của Bảo Đại đã lên di tích cấp quốc gia. Theo lãnh đạo Sở VH-TT, Lầu Bảo Đại chưa được xếp hạng do thiếu đơn đề nghị của đơn vị quản lý, di tích chưa lập hồ sơ, thất lạc bản vẽ thiết kế 5 biệt thự… Sở VH-TT đang rà soát lại công trình này để lập hồ sơ xếp hạng.
Bình luận (0)