xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Leng Su Sìn mùa hoa ban nở

Bài và ảnh: THANH HỘI

Cột mốc nằm trên đỉnh núi cao, nhìn về phía nước ta là điệp trùng núi rừng Tây Bắc. Mọi người sờ tay vào cột mốc, nước mắt rưng rưng, cảm xúc thiêng liêng khó nói thành lời

Ấp ủ đã lâu nhưng mãi đến nay, nhóm cán bộ y tế tỉnh Hà Nam chúng tôi và một số bạn hữu mới có chuyến đi tới cực Tây của Tổ quốc.

Thầy cô như người mẹ

Từ Hà Nam, đoàn vượt hành trình để qua những con đèo nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Chặng từ huyện Mường Chà đi huyện Mường Nhé mới thật sự là cung đường vất vả. Ôtô liên tục quay hết sang trái rồi sang phải bởi những đoạn cua cùi chỏ, tai ù dần. Nhìn xuống thung lũng bên đường chỉ thấy thấp thoáng một màu trắng bạc.

Leng Su Sìn mùa hoa ban nở - Ảnh 1.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn trước lúc chia tay

Xe nhọc nhằn lăn từng vòng bánh. Trời mưa lâm thâm, đường dần trơn trượt. Những khối đất khổng lồ như chực sập, bên kia là vực sâu hun hút.

Trường Tiểu học Leng Su Sìn nhộn nhịp hẳn khi xe của đoàn đến. Những khuôn mặt trẻ thơ háo hức, ánh mắt tròn xoe, những cánh tay bé xíu chỉ trỏ. Nhận hỗ trợ với gần ngàn đầu sách, một cái tivi để thầy trò cập nhật thông tin sau những giờ học và chiếc máy giặt, cô Nguyễn Minh Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Leng Su Sìn - bùi ngùi: "Từ nay, thầy cô giáo sẽ đỡ vất vả hơn khi giặt quần áo cho các cháu. Hằng ngày, ngoài dạy học, thầy cô còn như người mẹ chăm lo cho các cháu từ ăn uống, vui chơi, giáo dục kỹ năng sống".

Từng tốp học sinh xúm quanh các tình nguyện viên. Vân vê cành hoa ban trắng trên tay, Quỳnh Hường - một tình nguyện viên thế hệ 2K - chăm chú nghe lũ trẻ thi nhau kể chuyện. Ở đây, chỉ cần thấy người lớn là các em đã vòng tay chào cô, chào chú. Chúng tôi thấy ấm lòng, thấu hiểu sự dạy dỗ nhọc nhằn của các thầy cô giáo.

Leng Su Sìn mùa hoa ban nở - Ảnh 2.

Những món quà nghĩa tình được đoàn trao tặng cán bộ, chiến sĩ biên phòng

Dạy ở Trường Tiểu học Leng Su Sìn có nhiều thầy cô là người dưới xuôi. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Minh Hồng quê ở Thái Bình, gắn bó với vùng cao này đã hơn 20 năm.

"Lúc đầu cũng nhớ quê lắm. Trong trường, rất nhiều thầy cô giáo bỏ lại con thơ ở quê nhà, hằng ngày dạy dỗ, đem tình yêu thương chăm sóc những đứa trẻ ở bản nghèo xa lắc. Rồi tình yêu trò cứ ngấm dần, như chất men làm nỗi khắc khoải nhớ quê cũng vơi dần theo năm tháng. Lâu dần đã biến mảnh đất này thành quê hương thứ hai lúc nào không biết" - cô Hồng bộc bạch.

Thầy Lò Văn Biên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, kể có cô giáo nghe tin bố mất mà chẳng kịp về quê tiễn đưa. Thầy Phạm Văn Phong, Tổng phụ trách Đội, tếu táo: "Quê em ở Hà Nội. Em lên đây hơn chục năm rồi, ít khi về nên nhiều lần vợ dọa bỏ anh ạ". Vẫn biết là lời nói đùa nhưng sao nghe vẫn thấy khóe mắt cay cay.

Nhọc nhằn y tế vùng cao

Nét hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân khi đến Phòng khám Đa khoa khu vực Leng Su Sìn hôm ấy. Phòng khám nằm trên đồi cao, nhìn xuống thấy đường ngoằn ngoèo như rắn trườn qua các kẽ núi. Gió thông thống từ thung lên, se lạnh.

Leng Su Sìn mùa hoa ban nở - Ảnh 3.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Leng Su Sìn tiếp nhận hỗ trợ từ đoàn

Lên đến nơi là các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam lao vào tranh thủ khám bệnh. Mỗi bàn khám phải có thêm một cán bộ "phiên dịch viên", bởi nhiều cụ già nói không rõ tiếng Kinh.

Đỡ một cụ già trên 80 tuổi ngồi xuống ghế, bác sĩ Nguyễn Đức Uyên nhẹ nhàng tư vấn qua "phiên dịch viên" người bản địa. Bác sĩ Trịnh Văn Hùng thì khám cho từng cháu nhỏ, mồ hôi dính bệt cả áo blouse trắng. Ở phòng bên, dược sĩ Võ Thị Hiền và Lê Thị Mơ thoăn thoắt dán liều lượng lên từng vỉ thuốc, hướng dẫn tỉ mỉ cách dùng thuốc cho bệnh nhân và cả người nhà đi cùng.

Vừa nhẹ nhàng bế một cụ già vào ghế ngồi khám, bác sĩ Bùi Văn Hiệu - Trưởng Phòng Y tế huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam - vừa nói siêu âm cho đa số người cao tuổi nên phải chịu khó, vì nhiều cụ bảo quay trái thì họ quay phải, mình hỗ trợ luôn cho nhanh.

Thời gian không nhiều nên tôi đoàn chỉ khám được cho hơn 200 người, chủ yếu là người cao tuổi.

Vượt gần 20 km từ bản Cà Là Pá để đến khám bệnh, bà Ma Thị Do chia sẻ: "Rất vui, được khám bệnh lại còn được cán bộ y tế cho thuốc nữa. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm". Cầm bọc thuốc trên tay, bà Vàng Go Mé, ngụ bản Phứ Ma, hồ hởi sau khi được siêu âm bụng: "Trước kia khám tại nhà, hôm nay ra đây được cán bộ y tế xoa bụng nhiều lắm, lại còn cho thuốc nữa, cảm ơn cán bộ rất nhiều!".

Leng Su Sìn mùa hoa ban nở - Ảnh 4.

Các bác sĩ của đoàn khám bệnh cho người dân

Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn là Chang A Khày kể cả xã có gần 4.000 nhân khẩu thì 85% là người Mông. Xã này có đến 70% hộ nghèo và cận nghèo.

Thạc sĩ Nguyễn Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, kể do đường sá xa xôi, hiểm trở nên người dân ít khi chủ động đi khám, chuyển tuyến cũng khó khăn nên khi người dân chịu đi khám thì bệnh thường đã trở nặng. Đặc biệt, tình trạng sinh nở tại nhà vẫn thường xuyên diễn ra. Do vậy, vai trò của y tế cơ sở vô cùng quan trọng trong việc tiếp cận, vận động người dân thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sau sinh và phòng dịch.

Đêm, lửa trại rực cháy giữa sân trường. Những điệu múa xòe, múa sạp rộn ràng hòa lẫn lời ca tiếng hát vang lên trong không gian tĩnh mịch giữa núi rừng.

Thầm lặng nơi biên cương

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nằm trên khu đất cao, với nhiệm vụ quản lý hơn 40 km đường biên giới núi rừng hiểm trở tiếp giáp Lào và Trung Quốc, trong đó có cột mốc số 0.

Cạnh đồn biên phòng là Đài Tưởng niệm các liệt sĩ và Khu Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ. Những dãy cây ban đua nhau nở hoa trắng muốt từ đài tưởng niệm lên tận sân đồn biên phòng tạo nên vẻ đẹp thanh khiết, bình yên và thơ mộng.

Đón đoàn, thượng úy Phạm Văn Đông kể những năm qua, các đồn biên phòng luôn làm tốt công tác an ninh trật tự nơi biên giới. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng nên người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin giá trị, góp phần phá nhiều vụ án.

Trung tá Phan Ngọc Toản - Đồn trưởng - cho biết cả năm mỗi người có một tháng phép về thăm nhà nên phải thay phiên nhau sao cho hợp lý. Những năm vừa rồi có đại dịch COVID-19 nên nhiều chiến sĩ suốt mấy năm ròng chưa được về thăm quê. Có chiến sĩ vợ ở quê sinh nở một mình, khi con đã biết chạy mà cha con vẫn chưa một lần gặp mặt. Rồi những khi phá án, anh em có lúc mưa dầm cơm vắt cả tuần trời lạnh lẽo ngoài rừng.

Thiếu tá Nguyễn Đức Diện, quân y của đồn, nói cơ số thuốc mà đoàn tặng là rất cần thiết với đồng bào. Ở đây, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, các chiến sĩ còn thay nhau giúp người dân làm nương rẫy, dạy cách trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với cán bộ y tế của xã chăm lo sức khỏe cho người dân.

Theo trung tá Trịnh Thế Gia, Phó trưởng đồn, xa quê nên cán bộ, chiến sĩ càng thấm thía tình quân dân cá nước. Anh em luôn lăn lộn, gắn bó mật thiết với dân, lấy dân làm điểm tựa để giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới theo đúng phương châm: Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.

Sáng sớm, sương bay bảng lảng. Những hàng hoa ban thấp thoáng sau từng cụm sương mù bạc. Đường từ Leng Su Sìn dẫn lên A Pa Chải dài 30 km khá dễ đi dù đèo dốc vẫn uốn lượn quanh co. Bên đường, lúa đang thì con gái trên những thửa ruộng bậc thang. Những nếp nhà sàn ẩn hiện sau những tán cây rừng trên các sườn núi.

9 km đường từ A Pa Chải lên cột mốc số 0 xuyên qua trùng điệp rừng già, có đoạn được đổ bê- tông ngoằn ngoèo, gấp khúc bên vách núi cheo leo. Nhiều đoạn dốc dựng đứng, trơn trượt. Tài xế cho đoàn là thượng úy Nguyễn Văn Thắng. Anh cho biết cách đây chục năm, để lên được đỉnh cao thiêng liêng này phải đi bộ băng rừng leo núi mất cả ngày, nay đi được như thế này là sự thay đổi rất lớn đối với vùng đất cực Tây.

Leo qua 541 bậc thang và 29 chiếu nghỉ dài gần 1.000 m bằng đá hoa cương, chúng tôi đặt chân lên cột mốc số 0 A Pa Chải trên độ cao 1.866 m, thuộc địa phận bản Tá Miếu, hoàn thành xây dựng vào ngày 5-7-2005. Cột mốc cao 2 m, mặt quay về 3 hướng, trên mỗi mặt là tên và quốc huy của mỗi nước.

Cột mốc nằm trên đỉnh núi cao Khoan La San, nhìn về phía nước ta là điệp trùng núi rừng Tây Bắc. Mọi người sờ tay vào cột mốc, ngắm từng thớ đá, nước mắt rưng rưng. Cả đoàn thi nhau chụp ảnh. Được khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng đứng bên cạnh cột mốc số 0, ai cũng dâng trào cảm xúc thiêng liêng khó nói thành lời.

Vùng đất cửa khẩu A Pa Chải khá bằng phẳng với những ngọn đồi thấp san sát. Dẫn đoàn, trung tá Đặng Văn Tuấn nói trong thời gian không xa, nơi này sẽ trở thành khu du lịch, kinh tế sầm uất với nhiều dự án sắp được xây dựng. Những năm gần đây, đồn đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân nhận thức hơn về ý nghĩa của mốc số 0. Du khách về đây cũng ngày càng đông.

Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành nhiều nghị quyết để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên vùng đất cực Tây. Đặc biệt, Nghị quyết 06-NQ/HU ngày 19-5-2021 về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé sẽ hứa hẹn những đột phá trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch. 

"Tiếng gà gáy xé toang màn đêm yên tĩnh. Những ánh bình minh đầu tiên chiếu rọi xua dần màn sương se lạnh. Miên man trong những câu chuyện dài về con người và mảnh đất cực Tây, chúng tôi chợt bừng tỉnh, vội vàng tận hưởng hương vị nồng nàn từ sắc trắng hoa ban đang kỳ nở rộ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo