xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên kết thành cực tăng trưởng kinh tế

Bài và ảnh: Trọng Đức

Thay vì "mạnh ai nấy chạy", Hải Phòng và Quảng Ninh đã "bắt tay" hợp tác trong nhiều lĩnh vực để cùng nhau trở thành trung tâm kinh tế biển, cùng trở thành cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc

Nếu như Hải Phòng là trung tâm công nghiệp - cảng biển bậc nhất của miền Bắc thì Quảng Ninh được đánh giá là "ngôi sao đang lên" với sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế, hạ tầng, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, du lịch... những năm gần đây.

Cùng trở thành động lực tăng trưởng mới

Xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ phát triển mật thiết không chỉ giữa 2 địa phương mà còn ở phạm vi cả vùng và cả nước, nhiều năm qua, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã đặt trọng tâm cho sự hợp tác, liên kết trên nhiều phương diện. Qua đó, để 2 địa phương cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi vào hoạt động năm 2018 là một dấu mốc liên kết quan trọng giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, giúp tuyến đường từ TP Hải Phòng đến TP Hạ Long rút ngắn từ 75 km còn 25 km. Bên này cầu Bạch Đằng là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kéo dài đến Lào Cai, còn bên kia là đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và trong năm 2022 sẽ nối thông đến cửa khẩu Móng Cái, tạo hành lang đường bộ kết nối với Trung Quốc, ASEAN.

Liên kết thành cực tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng rút ngắn khoảng cách giữa TP Hạ Long và trung tâm Hải Phòng còn 25 km

Ngoài ra, Hải Phòng và Quảng Ninh chủ trương cân đối ngân sách địa phương, phối hợp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị triển khai đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ nút giao với Quốc lộ 18A (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng), quy mô 4 làn xe. Các dự án này bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đặc biệt, 2 địa phương tích cực phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy, cảng biển; phát triển vận tải hành khách công cộng (xe điện, xe buýt...) kết nối từ trung tâm TP Hải Phòng đến trung tâm TP Hạ Long, góp phần thúc đẩy giao thương, kết nối phát triển kinh tế liên tỉnh, liên vùng.

Điểm nhấn trong phối hợp giữa 2 địa phương là thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối TP Hải Phòng - tỉnh Quảng Ninh. Các cơ quan chức năng hai bên đã tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp bảo đảm nhanh, gọn, thông thoáng để khai thác hiệu quả cảng biển Quảng Ninh gắn kết với cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng nhập khẩu, xuất khẩu thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Kết nối cơ sở hạ tầng

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, nêu rõ trong xu thế hợp tác, toàn cầu hóa như hiện nay, các địa phương đều không thể phát triển độc lập mà không có sự liên kết, hợp tác. Trên thực tế, chính việc thúc đẩy liên kết, hợp tác, trong đó có liên kết, hợp tác vùng, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, nhất là trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối, thu hút đầu tư, mở rộng các lĩnh vực phát triển thế mạnh.

"Điểm sáng" của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là công nghiệp chế biến, chế tạo, là động lực tăng trưởng kinh tế với các dự án công nghệ cao tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu như Hải Phòng hiện có 12 KCN đang hoạt động (tỉ lệ lấp đầy trung bình hơn 62%), thu hút nhiều dự án trọng điểm lớn như: KCN VSIP, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Nomura... thì Quảng Ninh có 7 KCN sẵn sàng hạ tầng. Trong đó, các KCN Đông Mai, Sông Khoai, đầm Nhà Mạc đều nằm trong bán kính 20-30 km tới cảng Đình Vũ, sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng).

Tháng 10-2021, tỉnh Quảng Ninh khởi công dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP Móng Cái, tương lai cùng với cảng Hải Phòng tạo thành nhóm cảng biển là cửa ngõ xuất nhập khẩu cho cả nước và khu vực ASEAN. Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đặt vấn đề hợp tác phát triển khu kinh tế, KCN, hạ tầng giao thông, du lịch...

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C hiện đang đầu tư tại cả Hải Phòng và Quảng Ninh, cho rằng "chìa khóa" trong việc tăng cường hợp tác giữa Quảng Ninh và Hải Phòng là bảo đảm rằng cả hai đều hưởng lợi từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông thực sự tin Quảng Ninh có thể trở thành "một Hải Phòng khác"!

Trong phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, đặc biệt các hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên; bảo đảm các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch bệnh; chia sẻ và cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 và hành khách đi/đến qua sân bay Cát Bi và sân bay Vân Đồn.

Việc đệ trình UNESCO thành công hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà vào năm 2021 là một trong những dấu mốc quan trọng cho thấy sự phối hợp hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, đánh dấu bước phát triển mới của 2 địa phương về liên kết quản lý vùng. Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế của 2 địa phương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo