Gần 1 năm sau ngày trở về, cuối tháng 7-2019, chúng tôi gặp ông Phan Long Nghê đang rảo bước trên con đường làng thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường. Nhiều bậc cao niên kéo ông vào hàn huyên, chuyện trò về những câu chuyện đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ.
Ông Phan Long Nghê (trái) cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công
Bà Phan Thị Thanh Hải (53 tuổi, con gái đầu của ông Nghê) cho biết hiện giờ cha bà đang sống với người vợ thứ 3 ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. "Lúc nào thảnh thơi, cha về đây thăm lại quê hương, đốt cho ông bà nén nhang. Lúc thì ra Đà Nẵng, thăm mấy anh chị em, hương khói cho người vợ thứ 2, vài hôm vào lại Quy Nhơn" - bà Hải nói.
Ông Nghê vốn là chiến sĩ thông tin Trường Thông tin Quân khu V, công tác tại Đại đội 506A, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Năm 1969, khi 23 tuổi, trong một lần trinh sát dẫn đường tải gạo, ông bị địch phục kích bắt giữ và tra tấn, đánh đập.
Vì sợ lộ bí mật, ông Nghê khai tên Phan Long Nghệ, quê ở Thanh Sơn. Sau nhiều trận đòn tra tấn dã man, ông bị chấn thương nặng, hỏng một mắt, móp đầu và đãng trí từ đó… Mấy tháng bị bắt giam, trong một lần đi nhổ cỏ, quét sân trong trại giam, ông Nghê đã trốn thoát ra ngoài. "Tôi không nhớ được quê ở đâu, xuống đường lộ rồi đu theo xe khách ra đến Đà Nẵng. Thời gian sau, tôi gặp bà Lê Thị Chư kết duyên vợ chồng và có với nhau được 4 mặt con" - ông kể.
Đến đầu năm 1990, lúc bà Chư lâm bệnh qua đời, ông Nghê tái phát bệnh cũ, lang thang vào tận TP Quy Nhơn, kết duyên với người vợ thứ 3.
"Sau khi lấy vợ, tôi vài lần tìm về huyện Đức Phổ, cũng vào xã Phổ Cường, Phổ Khánh. Nhưng mọi thứ đổi thay, nói tên Nghê không ai biết. Có lần tôi về, chính quyền địa phương tưởng gây rối, bắt nhốt mấy ngày nên tôi sợ quá, không tìm về nữa... Nhiều lần như thế, tôi nghĩ hay ký ức mình nhầm lẫn" - ông Nghê nói.
Mãi đến giữa năm 2018, khi cháu ngoại của ông ở Đà Nẵng làm hồ sơ xét lý lịch Đảng. Vì tính cấp thiết và niềm tin từ trí nhớ mơ hồ của ông Nghê nên gia đình sau đó khai ông quê ở Phổ Cường. Hồ sơ xác minh lý lịch của cháu ông được gửi về địa phương. Sau khi kiểm tra, địa phương trả lời không có người nào tên Phan Long Nghệ mà chỉ có liệt sĩ Phan Long Nghê, sinh năm 1946.
Nhận được trả lời chính thức của địa phương, gia đình ông Nghê lúc này mới linh tính liệt sĩ Phan Long Nghê ấy chính là Phan Long Nghệ. Gia đình tiếp tục vào xã Phổ Cường, tìm đến nhà cụ Phan Công Chánh - người chú ruột năm xưa đã dẫn dắt ông Nghê đi theo con đường cách mạng.
Cụ Chánh nhận ra ông Nghê qua bức ảnh. Khi gia đình xin đối chiếu danh chỉ bản là dấu vân tay hiện tại của ông Nghê với vân tay lưu trong tàng thư của liệt sĩ Phan Long Nghê thì nhận được kết quả trùng khớp hoàn toàn.
Lẫn trong niềm vui tìm được quê hương nguồn cội, niềm hạnh phúc nhất ông Nghê là tìm lại được cô con gái ruột sau nhiều năm xa cách. Bà Phan Thị Thanh Hải từ khi chào đời đến lúc đó chưa một lần gặp mặt cha.
Nhìn gương mặt đầy nếp nhăn của người cha mà mình lập bàn thờ hương khói mấy chục năm, bà Hải chưa bao giờ nghĩ có ngày lại gặp được cha như thế. "Đã hơn nửa năm cha tôi trở về. Đến giờ, tôi vẫn không dám tin vào sự thật mình vẫn còn cha. Người ta sống với cha mẹ cả đời, tôi thì mất mẹ lúc 7 ngày tuổi, cha đi theo cách mạng lúc chưa được sinh ra. Đến lúc cha con gặp nhau trên đầu đã hai thứ tóc... Bây giờ, tìm được cha rồi, lúc nào tôi rảnh thì vào Bình Định thăm cha. Lúc thì theo cha ra Đà Nẵng thăm các chị em ngoài đó" - bà Hải tâm sự.
Kỳ tới: Ngày trở về đầy nước mắt
Bình luận (0)