Cuối tháng 7-2019, tại xóm Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền xã Kỳ Sơn đã khởi công xây dựng nhà cho cựu binh Phạm Văn Bình (65 tuổi) trong niềm vui của gia đình và bà con lối xóm.
Đưa vợ con về quê hương
Năm 1977, ông Phạm Văn Bình lên đường nhập ngũ và tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1993, gia đình nhận được giấy báo tử do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cấp, công nhận hạ sĩ Phạm Văn Bình thuộc đơn vị Đoàn 8 Quân khu 9 là liệt sĩ. Gia đình nhiều lần tổ chức tìm kiếm phần mộ nhưng không thấy nên lập bàn thờ, hằng năm tổ chức đám giỗ.
Năm 2018, thông qua mạng xã hội, người thân phát hiện ông Phạm Văn Bình còn sống, lưu lạc ở Campuchia. Tháng 11-2018, "liệt sĩ" Phạm Văn Bình trở về quê xã Kỳ Sơn.
Theo ông Phạm Văn Bình, một lần đơn vị của ông bị phục kích, ông bất tỉnh do thương tích đầy người. Sau đó, người dân địa phương đã cứu sống, cưu mang ông. Do trí nhớ kém, chiến tranh chia cắt, ông thất lạc đơn vị. Không có việc làm, sức khỏe yếu, mất hết giấy tờ, trí nhớ lại giảm sút nên việc tìm về quê ngày càng bế tắc. Đến năm 2004, ông kết hôn với một phụ nữ Campuchia và có con gái. Cả nhà sinh sống tại vùng sâu ven sông thuộc huyện Kampong Trabaek, tỉnh Prey Veng - Campuchia.
Trong lúc đi làm thuê tại một nông trường cao su, ông Phạm Văn Bình may mắn gặp một người cùng quê ở huyện Kỳ Anh. Hiểu hoàn cảnh đáng thương của ông Phạm Văn Bình, người này đăng tin tìm kiếm người thân lên mạng xã hội. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Người thân biết ông Phạm Văn Bình còn sống và tìm cách liên lạc.
Từ khi trở về quê, ông Phạm Văn Bình rất vui nhưng không giấu nỗi lo âu bởi sức khỏe yếu, không nhà cửa, bố mẹ đã mất. Ông phải đi ở nhờ nhà của đứa cháu. "Già rồi, giờ chỉ mong muốn đưa vợ và con gái về quê hương sinh sống. Nghĩ tới cảnh cả nhà về quê với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp thì lấy gì mưu sinh nên tôi trở lại Campuchia sống cùng vợ con" - ông Bình tâm sự.
Đầu tháng 7-2019, cựu binh Phạm Văn Bình quyết định rời Campuchia trở về quê ở xã Kỳ Sơn. Đây là chuyến đi đầy ý nghĩa khi ở quê hương, chính quyền, người thân, những nhà hảo tâm đã quyên góp mua cho ông một khu đất để ông có thể cất căn nhà nhỏ đón vợ con.
"Tôi đã có nhà thật rồi. Mấy chục năm lưu lạc ở xứ người, nay tôi có thể đón vợ con về quê sinh sống. Tôi không thể ngờ ngày trở về quê hương lại hạnh phúc như vậy. Cảm ơn chính quyền, người thân, bà con lối xóm đã dành tình yêu thương, giúp đỡ gia đình tôi" - ông Phạm Văn Bình chia sẻ
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, các cơ quan chức năng liên quan đang xác minh giấy tờ để giải quyết chế độ theo quy định với cựu binh Phạm Văn Bình.
Chính quyền xã Kỳ Sơn xây nhà tình nghĩa để ông Phạm Văn Bình đón vợ con về quê Ảnh: ĐỨC NGỌC
Hồ sơ liệt sĩ của ông Trịnh Thanh Bình Ảnh: BẢO ANH
Con trai lặn lội xứ người tìm cha
Trong cái nắng như đổ lửa của miền Trung, chúng tôi tìm về nhà ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi; trú tại khối 6, thị trấn Hương Khê).
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Hương Khê, giấy báo tử của Tỉnh đội Hà Tĩnh ghi ông Thanh Bình hy sinh ngày 16-7-1988 tại chiến trường Campuchia trong trường hợp chiến đấu rồi mất thông tin khi giữ cấp bậc trung úy, đơn vị Đoàn 7704MT479 Quân khu 7.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, so với ngày vừa được người thân đưa về, ông Bình nay đã có da, có thịt hơn và nói tiếng Việt sành sỏi. Tuy nhiên, trí nhớ ông vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Từ ngày trở về, ông chỉ đi loanh quanh đoạn đường đưa rau ra chợ cho vợ bán và biết đường đến nhà con gái. "Ấy thế mà có lần tôi đã đi lạc gần một ngày khi đưa đồ ra cho bà ấy, làm con cháu phải đi tìm khắp nơi" - vừa nói ông vừa chỉ lên đầu bảo "mảnh đạn còn nằm trong này".
26 năm, mẹ con bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, vợ ông Trịnh Thanh Bình) đã làm 26 cái giỗ cho ông. Bà cũng như con cái chỉ mong sớm tìm được phần mộ của ông để đưa về quê lo hương khói. Bất ngờ đầu năm 2018, anh Trịnh Thanh Hoàng nhận được tin bố mình còn sống tại Campuchia từ một người đồng đội năm xưa của bố.
Lúc đó, ông đã có vợ và 5 người con tại vùng hẻo lánh ở tỉnh Battambang - Campuchia. Ngay sau đó, anh Hoàng cùng 2 người thân, thuê thêm người phiên dịch, đi tìm bố. "Tìm đến nơi đã gần 1 giờ sáng. Bố tôi lúc này đang nằm co ro trên sàn nhà, người gầy gò, ốm yếu. Thấy có người tới tìm, ông cứ chắp tay trước ngực và hỏi bằng tiếng Campuchia: "Người này là ai?". Sau khi được người phiên dịch giải thích, tôi và bố cứ ôm lấy nhau mà khóc" - anh Hoàng nhớ lại.
Dân làng ở đây cho biết vào năm 1988, trong lúc chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Bình bị thương nặng, mất trí nhớ, bị lạc, được người dân tộc Chăm cứu. Anh Hoàng đưa bố về Việt Nam, đi khám bệnh và biết được tình trạng sức khỏe của ông rất yếu, lách bị cắt, đạn xuyên làm gãy hết răng.
Bà Hợp kể chiều 12-9-2018, khi con đưa ông về tới nhà, bà vừa mừng vừa tủi. "Mấy chục năm rồi, tôi cứ nghĩ không có ngày gặp lại chồng mình bằng xương bằng thịt. Ấy vậy mà hỏi ai ông cũng không nhớ kể cả tôi, trên người đầy thương tích, nửa tỉnh nửa mê. Lúc đó, dù người thân đã tìm đủ mọi phương cách để cố khơi gợi trí nhớ nhưng ông vẫn luôn hỏi "Hợp là ai?" - bà Hợp bồi hồi nhớ lại.
Sau gần 1 năm, chính quyền địa phương chỉ mới nhập hộ khẩu và làm chế độ bảo hiểm cho ông Bình. Phòng LĐ-TB-XH huyện đang hướng dẫn làm các chế độ khác. Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Hương Khê, cho biết: "Việc này còn liên quan đến bên quân đội nên chúng tôi có muốn cũng không thể làm được. Cũng biết rằng phải luôn ghi nhớ và đền đáp công ơn của những thương binh - liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc nhưng không phải nói là làm được trong ngày một ngày hai" - bà Nguyệt cho hay.
Bình luận (0)