Những ngày đầu tháng 3-2019, căn nhà nhỏ của vợ chồng cụ Ngô An Ninh và Phan Thị Thu ở thị trấn Xuân An luôn nhộn nhịp. Người thân, xóm giềng đến chia vui với gia đình khi hay tin ông Ngô An Dương (SN 1958, con trai cụ Ninh và bà Thu) mất tích năm 1979 tại Campuchia bỗng dưng trở về nhà.
Ông Ngô An Dương kể: Năm 1978, khi ông vừa tròn 20 tuổi thì nhập ngũ vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 thuộc Quân khu 9 chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1979, ông bị quân Pol Pot bắt giam cùng với 2 đồng đội. Trong một lần bị giải đi, ông trốn thoát.
Do bị đánh đập, tra tấn trong lúc bị bắt nên ông mất trí nhớ. Từ đó, ông Dương sống lưu lạc tại Campuchia, sau đó ông được một người phụ nữ cưu mang, giúp đỡ. "Hiện tôi đã lấy vợ người Campuchia và có 3 con. Trước đây, do bị thương ở đầu nên không nhớ quá khứ và không biết mình quê ở đâu. Cách đây hơn 2 năm, trí nhớ tôi bắt đầu hồi phục, nhớ ra quê mình" - ông Dương nói.
Ông Nguyễn An Dương (ảnh trên) trở về gia đình sau 40 năm và giấy báo tử
Cuối năm 2018, ông Dương tình cờ gặp được người đàn ông tên Dần (trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sang Campuchia bán máy làm gạch nên nhờ liên lạc với gia đình. Ngày 26-2, ông Dương trở về nhà trong niềm vui, hạnh phúc của người thân.
Ông Ngô Xuân Cảnh (em trai ông Dương) chia sẻ: "Mới đầu khi nghe tin từ chính quyền báo về là có người gặp anh tôi đang sống ở Campuchia, cả gia đình không ai dám tin. Sau đó trực tiếp gọi điện sang trò chuyện, thấy anh nói rất rõ về mọi người trong gia đình, lúc đó tôi mới tin anh còn sống".
Theo người thân của ông Dương, năm 1993, gia đình bất ngờ nhận được giấy báo tử với thông tin ông Dương mất tích vào ngày 20-2-1979 tại tỉnh Kampong Speu (Campuchia). Ngày 31-8-1993, ông được công nhận là liệt sĩ. Bà Phan Thị Thu xúc động: "Từ năm 1979 đến năm 1993, suốt 14 năm, ngày nào tôi cũng chờ đợi, hy vọng con trai sẽ trở về. Năm 1993, khi nhận được giấy báo tử tôi vô cùng đau buồn, nghĩ là đã vĩnh viễn mất con. Ai ngờ giờ con đã trở về khỏe mạnh. Trời thương nên mẹ con tôi vẫn còn được nhìn thấy nhau".
Ông Ngô An Ninh cho biết từ năm 1993, sau khi nhận được giấy báo tử, gia đình đã nhiều lần tìm kiếm phần mộ của con để đưa về quê nhà nhưng không nhận được bất kỳ tin tức gì. Nay con trở về, không còn phúc nào lớn hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Văn Nam, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân, cho biết ông Dương về thăm gia đình sau đó sẽ tiếp tục sang Campuchia sinh sống. Cơ quan này đã có công văn gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết các hồ sơ liên quan cho ông Dương.
Bình luận (0)