Hằng ngày, người dân liều mình qua sông trên chiếc cầu này, bất chấp hiểm nguy luôn rình rập.
Chiếc cầu rộng khoảng 6 m, dài khoảng 250 m, nối nhịp bằng những chiếc thuyền phao sắt, không có thanh chắn bảo vệ. Mặt cầu là những thanh gỗ đang mục nát, hư hỏng phải gia cố bằng dây thép. Nhiều thanh gỗ, sắt đứt mối nối bị vứt bỏ ngổn ngang trên cầu. Người dân xã Cẩm Vân phản ánh cây cầu đã quá cũ kỹ, tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Cầu phao này trước đây đặt tại huyện Cẩm Phong, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi địa phương này xây cầu mới thì nó được đưa về đây. Sau 30 năm, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân ví là cầu "tử thần". Do xã Cẩm Vân nằm bên này sông Mã, còn ruộng đồng và mọi hoạt động, giao thương của xã đều phải sang sông, vì thế người dân, học sinh đều phải đi qua cây cầu phao này.
Học sinh ở huyện Cẩm Thủy hằng ngày phải qua lại trên chiếc cầu phao xuống cấp, không bảo đảm an toàn
"Những ngày nước sông bình lặng thì còn đỡ, chứ những hôm mưa bão, nhiều lúc chính quyền địa phương phải "cắt cầu", chúng tôi lại bị cô lập, học sinh phải nghỉ học. Năm nào cũng có người gặp nạn khi qua cây cầu này. Năm 2019, cây cầu đã cướp đi sinh mạng của 2 mẹ con khi qua sông" - một người dân nói.
Ông Lê Công Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, cho biết hằng năm xã phải chi ra khoảng 50 triệu đồng để duy tu cầu nhưng chỉ là khắc phục nhỏ, tạm thời. Về lâu dài, người dân và chính quyền mong muốn sớm có một cây cầu kiên cố. Còn theo ông Nguyễn Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, vì không có cầu nên 7 xã phía Nam của huyện Cẩm Thủy tốc độ phát triển kinh tệ chậm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. "Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị xây cầu mới. Chúng tôi cũng liên tục có văn bản xin cấp trên quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện" - ông Lực nói.
Theo tìm hiểu, từ năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương về xây dựng cầu Cẩm Vân nhưng không hiểu vì lý do gì, sau một thời gian khảo sát, dự án rơi vào im lặng cho tới nay.
Bình luận (0)