Sáng 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.
Cân nhắc lợi - hại đến quốc kế dân sinh
Trong phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành nhiều thời gian đề cập đến các vấn đề nổi cộm trong năm 2023. Theo Chủ tịch nước, bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại những hạn chế, khó khăn rất lớn cần phải giải quyết, tháo gỡ. Về đầu tư công, Chủ tịch nước nhắc đến nghịch lý "có tiền rồi mà vẫn không chi tiêu được". Báo cáo tại QH cũng đã nói rõ bao nhiêu bộ, ngành, bao nhiêu địa phương giải ngân dưới 50%.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ tịch nước nhận xét 10 năm qua, dù đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý dứt điểm được trường hợp nào. Điều đó tiềm ẩn rủi ro rất lớn, mà những hệ quả của nó chưa thể đánh giá một cách đầy đủ. Về nguyên nhân, bên cạnh tác động từ bên ngoài, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Chủ tịch nước nhìn nhận việc phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị; rồi tư duy thích ôm đồm trong xây dựng chính sách, lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó, cho nên nhiều việc không chịu phân cấp. Đáng chú ý, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cập là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm.
"Là cán bộ, không thể né tránh, sợ trách nhiệm. Sợ sai là đúng. Nhưng sợ sai để mình làm kỹ hơn, sợ sai để mình nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc trước - sau, lợi - hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ" - Chủ tịch nước nói.
Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính (đoàn TP Cần Thơ) dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu (ĐB) về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL. Theo Thủ tướng, khu vực này hết sức quan trọng với ngành nông nghiệp, với sự phát triển của đất nước. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững. Chính phủ cũng đã quyết định bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để bố trí cho các dự án ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần các dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỉ USD và phải tính đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: VĂN DUẨN
Cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng chúng ta phải nhìn nhận rõ bối cảnh trong nước, khu vực và trên thế giới để thấy được những kết quả đạt được về KT-XH trong năm 2023 là nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành rất đáng ghi nhận.
Về giải pháp trong thời gian tới, ĐB Ngân thống nhất với quan điểm phải ưu tiên cho phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường. Chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt và hiệu quả. "Vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng; lưu ý bảo đảm an ninh tiền tệ, hệ thống ngân hàng trên cơ sở xử lý nhanh các ngân hàng yếu kém; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính, ngân sách; ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công..." - ông Ngân nói.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ, những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, ĐB đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra, đồng thời đề nghị cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế GTGT 2% bằng việc QH ban hành một nghị quyết ngay từ kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, cần thực hiện giảm thuế, giảm tiền thuê đất; kịp thời có chính sách tài khóa đối với tiền tệ, điều hành ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn của DN sẽ cao hơn.
ĐB Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, bày tỏ sự lo lắng về thực trạng "kinh tế thiếu vốn nhưng lại khó hấp thụ", khi tín dụng tăng thấp, tới cuối tháng 9 mới tăng 6,92%, dù lãi suất giảm. ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, phân tích tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp. Bên cạnh đó, dòng tiền từ trái phiếu DN, thị trường chứng khoán cũng giảm sâu, như chứng khoán đã mất 32% giá trị trong năm ngoái và 9 tháng đầu năm nay vẫn trồi sụt. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, nhiều dự án không thể làm tiếp, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực. "Nền kinh tế không thiếu tiền nhưng vấn đề không hấp thụ được do đầu tư và tổng thể dòng tiền vào nền kinh tế thấp. Những chỉ dấu này cho thấy Chính phủ cần thay đổi chính sách, bởi nếu không có động thái thì tình hình năm sau sẽ càng khó khăn hơn nữa" - ông Toàn nói.
Ở lĩnh vực khác, dẫn tình hình tại tỉnh Quảng Nam, ĐB Dương Văn Phước cho biết qua tiếp xúc cử tri, người dân phàn nàn về khó khăn trong thủ tục hành chính, cụ thể là việc cấp sổ đỏ cho dân. Qua giám sát cho thấy có quá nhiều vướng mắc, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. "Người dân đi làm sổ đỏ không phải là 1-2 tháng mà có thể mất 2-3 hoặc đến 5 năm, hoặc không thực hiện được. Nhiều người rất ngao ngán" - ông Phước kể. Mặt khác, theo ông Phước, DN vẫn cho biết khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách cơ cấu lại nợ, giảm các loại phí, hạ lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu trong giai đoạn hiện nay.
Hôm nay (25-10), buổi sáng, QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn.
Tăng lương phải đi kèm với kiềm chế lạm phát
ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng đi kèm với tăng lương là phải kiểm soát lạm phát, bởi mỗi lần tăng lương, kể cả lương đối với người nghỉ hưu, đều có tác động đến giá cả, lạm phát. ĐB Mai cho rằng cần phải tăng lương thực chất, không cào bằng. Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi lương tăng, công chức, viên chức không còn các khoản phụ cấp khác. Chính phủ cần lưu ý, tính toán để khi không còn phụ cấp, người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đi cùng với tăng lương phải là tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả.
Về hạn chế rút BHXH một lần, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) cho biết mục tiêu này khó thực hiện vì khi trình Luật BHXH (sửa đổi) thì cho phép người lao động (NLĐ) được phép rút BHXH một lần, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu cũng rút ngắn lại. "Vấn đề trong quá trình sửa Luật BHXH, cần tăng cơ hội, phần thưởng cho NLĐ khi giữ BHXH của họ theo suốt dòng đời lao động, như chính sách lương hưu, phúc lợi xã hội đi kèm và BHYT... ra sao. Nếu tìm mọi cách để ngăn cản quyền của NLĐ thì không khả thi" - bà Thúy băn khoăn.
Gỡ khó cho các dự án bất động sản
Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội - đã nêu về những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đặc biệt là giải pháp tháo gỡ cho các dự án "đắp chiếu" từ 10 đến 20 năm gây lãng phí nguồn lực, nhân dân bức xúc. Theo ông, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai và vừa qua thành phố đã hủy hơn 100 dự án. Sau khi thu hồi, thành phố làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng ngàn hecta. Từ thực tiễn ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết trước đây nhiều DN được giao đất thực hiện dự án mà không qua đấu thầu. DN nhận đất nhưng không thực hiện dự án gây lãng phí. Để các dự án này "chạy" được, ông đề xuất QH cho giám sát tổng thể, sau đó cho chủ trương tính đúng, tính đủ theo giá đất hiện nay, dự án nào không có khả năng triển khai tiếp thì thu hồi.
Bình luận (0)