xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Linh hoạt vượt thử thách

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Hàng loạt thách thức đặt ra trong năm 2023 đòi hỏi chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt, thích ứng với thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 là điều kiện thuận lợi để Việt Nam từng bước mở cửa thị trường, từ đó khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thực hiện song song chính sách điều hành vĩ mô ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cùng chính sách tài khóa rộng mở đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2022.

Xuất hiện bất ổn mới

9 tháng đầu năm nói chung và quý III/2022 nói riêng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tương đối mạnh nhờ tận dụng khá hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành cùng lợi thế từ nền tăng trưởng của năm 2021. Tuy nhiên, bước sang quý IV/2022, tình hình có dấu hiệu xấu đi bởi hàng loạt yếu tố bất lợi bên ngoài.

Kinh tế thế giới suy giảm mạnh, nhất là những bạn hàng lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm sút đáng kể. Thị trường láng giềng Trung Quốc duy trì chính sách "Zero Covid" khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ở những lĩnh vực có mối quan hệ phụ thuộc nước này bị ảnh hưởng.

Lạm phát tăng cao chưa từng thấy buộc các nền kinh tế phải ưu tiên chống lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, kéo theo lãi suất và giá đồng USD tăng mạnh. Điều này không chỉ khiến DN trong nước đối mặt áp lực tăng chi phí nhập khẩu đầu vào mà còn khiến tình hình trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine leo thang làm đứt gãy và gây khủng hoảng cung ứng năng lượng ở nhiều nơi, khiến giá xăng dầu tăng cao.

Ở trong nước, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trong thời gian khá dài làm chi phí xã hội tăng lên đáng kể và hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống người dân bị ảnh hưởng. Thị trường tài chính chao đảo, suy giảm mạnh, thanh khoản kém, nhà đầu tư thua lỗ, giảm sút niềm tin, từ đó huy động vốn qua kênh chứng khoán, trái phiếu trở nên khó khăn. Trong bối cảnh này, tín dụng cho nền kinh tế bị thắt chặt có phần hơi quá mức, nhất là trong quý III/2022, với mục đích ưu tiên chống lạm phát cũng khiến DN chật vật trong việc tiếp cận vốn để duy trì hoạt động hoặc phải chấp nhận chi phí khá cao để có nguồn vốn.

Nhìn chung cả năm 2022, nền kinh tế Việt Nam gặp may mắn khi có một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Đó là sau 2 năm bị kìm hãm bởi dịch COVID-19, người dân có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ, du lịch, nhất là trong dịp nghỉ hè và lễ Quốc khánh. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng âm đến hơn 6% trong quý III/2021 giúp tăng trưởng năm 2022 dễ được đẩy lên mức đột biến.

Tuy nhiên, những yếu tố lợi thế trên không còn tồn tại kể từ quý IV/2022. Do đó, điều hành vĩ mô năm 2023 không nên quá lạc quan mà cần đối diện và bám sát thực tế để tìm ra giải pháp phù hợp.

Linh hoạt vượt thử thách - Ảnh 1.

Một góc đô thị hiện đại TP HCM, khu vực Bến Bạch Đằng (quận 1) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tận dụng bài học quý

Để cố gắng giữ mục tiêu kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua đã phần nào khiến tín dụng khô cạn trong lúc nhu cầu vốn của nền kinh tế ở mức cao hơn giai đoạn trước nhiều lần. Vì thế, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động để có nguồn vốn đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường.

Chính sách điều hành theo hướng "đè nén" như vậy dường như khiến DN nghẹt thở, phải giảm quy mô sản xuất - kinh doanh để cầm cự qua khó khăn, biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Bài học rút ra cho năm 2023 là điều hành kinh tế vĩ mô cần linh hoạt hơn, thích ứng với thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

Quốc hội đặt ra kế hoạch đầy thách thức cho năm 2023 là lạm phát được khống chế ở mức dưới 4,5% - cao hơn mục tiêu 4% của năm 2022 nhưng vẫn khá cao so với tình hình hiện tại. Mục tiêu lạm phát như vậy có thể gây khó khăn cho điều hành vĩ mô bởi dư địa của chính sách tiền tệ và tài khóa hiện khá hạn hẹp. Nếu nới chỉ tiêu lạm phát đến mức 5,5%-6%, chính sách tiền tệ có thể dễ thở hơn, qua đó cũng hỗ trợ tốt hơn cho DN và nền kinh tế.

Ở góc độ khác, cần nhận thức rõ chính sách tiền tệ trong giai đoạn này không thể thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước mà chỉ hỗ trợ hoạt động bình thường và duy trì thanh khoản. Để tăng cường động lực cho DN, chính sách tài khóa cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Chẳng hạn, mở rộng diện miễn, giảm và tăng mức giảm thuế; miễn, giảm tiền thuê đất nhiều hơn hoặc kéo dài Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời hạn phù hợp.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực ổn định thị trường tài chính, lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự và giải quyết vấn đề trái phiếu đáo hạn trong năm 2023. Song song đó, tập trung cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục, pháp lý cho dự án lớn, dự án tư nhân trong lĩnh vực bất động sản, qua đó xử lý được tình trạng vốn đọng, tạo lực đẩy cho nền kinh tế.

Bối cảnh khó khăn hiện nay đòi hỏi việc giảm rào cản và chi phí cho DN phải được đặt lên hàng đầu. Tôi nhớ giai đoạn khoảng 10 năm trước, vì sự phát triển của địa phương, bí thư và chủ tịch nhiều tỉnh, thành rất hăng hái chỉ đạo xem xét, tháo gỡ mọi vướng mắc pháp lý cho DN. Tư duy thanh tra, kiểm tra cũng được hạn chế, thay vào đó là vai trò giám sát mạnh mẽ của tổ giám sát thuộc Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Những kinh nghiệm, bài học tốt của giai đoạn trước nên được khôi phục, vận dụng trong thời điểm này. Bởi lẽ, điều DN cần nhất lúc này là chính quyền đặt niềm tin vào DN, người dân và đồng hành với họ thực chất hơn nữa. 

Bo truong Le Minh Hoan-15

Ông LÊ MINH HOAN

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Sức ép lớn để thay đổi

2022 là năm rất khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt những kết quả rất đáng tự hào dù chưa như kỳ vọng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 50 tỉ USD, vượt mục tiêu Chính phủ giao.

Niềm tự hào không chỉ ở những con số thống kê nhìn thấy được mà còn ở sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh bất định, biến động đầy phức tạp như vừa qua. Vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp thể hiện qua sự đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội...

Bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp phải chủ động thích ứng, tổ chức lại sản xuất theo hướng kết nối chuỗi giữa những người sản xuất với nhau và với DN theo tư duy hợp tác, liên kết. Đây là mệnh lệnh để ngành nông nghiệp vượt qua thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; xóa bỏ tình trạng nông dân thiếu thông tin dẫn đến chịu rủi ro cao trong sản xuất.

Khó khăn hơn nữa là các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày càng nâng cao quy chuẩn, khắt khe hơn với hàng nhập khẩu. Các thị trường này không chỉ lựa chọn sản phẩm nhập khẩu thông qua tiêu chí giá cả, chất lượng mà còn soát xét quy trình canh tác có tác động đến môi trường tự nhiên và gây hiệu ứng nhà kính hay không, quá trình đánh bắt thủy hải sản có vi phạm luật pháp quốc tế hay không... Đó là những sức ép để thay đổi. Nếu chúng ta chủ động thay đổi sẽ giảm thiểu rủi ro, thậm chí có thể biến thành cơ hội định vị được hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.

Mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn nữa! Chính vì vậy, tôi mong muốn cộng đồng DN là lực lượng đầu tiên dấn thân vào hành trình thay đổi. Mọi quyết tâm chính trị phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ cụ thể.


BT-Nguyễn-Chí-Dũng2

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Tháo điểm nghẽn trong huy động nguồn lực

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, cần tập trung triển khai giải pháp hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế; tận dụng cơ hội phát triển, huy động tối đa nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sự tham gia của người dân và DN.

Trước hết, cần ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác cần điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Chú trọng thúc đẩy các động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất - kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án luật có vai trò quan trọng để cơ bản xử lý những vướng mắc, khó khăn và tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, chẳng hạn Luật Đất đai (sửa đổi), cần được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ. Giải pháp khác cũng rất quan trọng là tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; minh bạch, công khai hóa thông tin cũng như bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, DN và người dân.

Với mục tiêu tăng trưởng năm 2023, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng cấp quốc gia, có tính liên vùng như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vành đai 4 - TP Hà Nội, Vành đai 3 - TP HCM; các dự án quan trọng, động lực về sân bay, đường sắt, đường thủy. Dự án hạ tầng sẽ tăng cường kết nối, giải tỏa các điểm nghẽn, giảm chi phí vận tải, logistics, từng bước đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo dựng các hành lang kinh tế, không gian phát triển mới.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững; lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


unnamed (1)

Ông HỒ ĐỨC PHỚC,

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Tiếp tục rà soát chính sách thuế, phí

Năm 2023, tình hình quốc tế lẫn trong nước dự báo tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Ở trong nước, nền kinh tế vẫn phải đối mặt tình hình sức mua của các thị trường bên ngoài bị thu hẹp; áp lực lạm phát, tỉ giá gia tăng cùng nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế như: năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình thế giới cũng như tác động từ những vụ việc vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân thời gian qua.

Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách và nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm hành vi vi phạm; thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí đang thực hiện nhằm tổng kết, đánh giá và bám sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp theo phù hợp với quá trình hồi phục, phát triển của DN và nền kinh tế.


[EDIT] TD NHNN Nguyen Thi Hong

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng

2023 được dự báo là một năm nhiều thách thức với mức độ phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước, lạm phát cao, các điều kiện tài chính thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, rủi ro suy giảm được dự báo ở nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam được dự báo sẽ khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Theo đó, sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tăng cường khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.


3-hiển 2

Chuyên gia kinh tế, TS ĐINH THẾ HIỂN

Chuyên gia kinh tế, TS ĐINH THẾ HIỂN:

Nhiều cơ hội từ thu hút vốn FDI

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký năm 2022 dù giảm hơn nhưng số tiền giải ngân thực lại vượt lên và tốt hơn các năm trước. Vốn giải ngân FDI đạt 19,7 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2022 là một điểm sáng. Trong khu công nghiệp, giá thuê ở phía Nam tăng trung bình 20% so với đầu năm 2022, chứng tỏ nhu cầu thuê đầu tư nhà máy vẫn rất tốt.

Các nước đã và đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào tỉnh Bình Dương 2 tỉ USD với tầm nhìn 10-20 năm. Họ không chỉ yêu cầu yếu tố hạ tầng mà còn đòi hỏi chính sách phải ổn định, khi đó mới có thể chuyển dịch nhà máy. Đây là một cơ hội lớn.

Bên cạnh đó, trong 3 năm 2018-2021, sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã làm tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ của nước láng giềng này giảm từ 33% xuống 25%; còn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã tăng từ 10% đến 14%. Như vậy, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã qua một tiến trình ổn định dù có một chút gián đoạn trong quý I và II/2022.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam là cơ hội lớn, không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm mà còn thúc đẩy đô thị hóa, thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp bất động sản tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp hỗ trợ phát triển DN nội địa, bao gồm công nghiệp phụ trợ.


3-z3995980241120_199af061f7272c2afb09ad2a86737d12

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM:

Trao quyền nhiều hơn cho TP HCM

Động lực kinh tế của TP HCM và cả nước năm 2023 sẽ đến từ nội lực nhiều hơn, dù có thể gặp khó khăn. Do đó, cần nhìn nhận thực tế để chuẩn bị kịp thời và có giải pháp phù hợp.

Riêng với TP HCM, làm sao có giải pháp để giải phóng năng lực của thành phố? Điều này liên quan vấn đề quản trị nên cần nhanh chóng sửa Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù để trao quyền nhiều hơn cho những đô thị đặc biệt như TP HCM. Cụ thể, thành phố có thể là nơi thí điểm những khung pháp lý mới triển khai, sau khi thực hiện thành công chính sách đó sẽ mở rộng cho những thành phố khác.

Đầu tư công dù rất khó khăn nhưng với 42/63 đô thị trên cả nước đã xong quy hoạch thì năm 2023 sẽ có cơ hội tăng tốc và phát triển. Có điều, đầu tư công không chỉ tập trung cho hạ tầng mà còn cần gắn với đầu tư nguồn cung nguyên liệu cho các nhóm sản xuất, xuất khẩu chủ lực.

Thái Phương - Minh Chiến - Văn Duẩn ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo