Phong thái giản dị, nhìn chẳng khác nào… nông dân, ông Lê Minh Hoan còn được biết đến là vị lãnh đạo tỉnh dành hầu hết 2 ngày nghỉ cuối tuần đến với các hội quán trong tỉnh để tiếp xúc nông dân, nghe họ kể chuyện làm ăn.
Ông Lê Minh Hoan (phải) trong chuyến công tác tại Nhật Bản cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: CTTĐTĐT
Vị "Bí thư Tỉnh ủy của năm 2017" thừa nhận ông đi nhiều, đi vào tận cùng của những vấn đề trong cuộc sống, sâu sát với cơ sở để tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội. "Mình phải vừa lắng nghe vừa chia sẻ vừa tương tác để qua đó kết nối mọi người với nhau. Chẳng hạn, mình gắn kết những người nông dân sản xuất trong cùng một ngành nghề để họ hợp tác trong sản xuất. Bởi vì cái "bẫy" của nông dân mình chính là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên phải kết nối họ" - ông Lê Minh Hoan nói.
Mới đây, đích thân ông Lê Minh Hoan đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp sang Nhật Bản để tìm hiểu về nhu cầu của thị trường lao động nước này cũng như tìm hướng đi mới cho nông sản tỉnh nhà.
Trở về từ chuyến công tác, vị Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phấn khởi nhìn nhận chuyến đi đã tiếp cận nhiều nghiệp đoàn lớn, được họ giới thiệu thêm những nghiệp đoàn khác. Mỗi nghiệp đoàn có nhiều ngành nghề như cơ khí, thực phẩm… Sắp tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa công nhân sang Nhật làm trong ngành chế biến thực phẩm mà nước này mới "mở" cho thị trường lao động Việt Nam. Người Nhật ăn uống rất khó tính, họ sợ thực phẩm chế biến không bảo đảm an toàn vệ sinh. Bây giờ, Nhật tín nhiệm Việt Nam, nên mở ngành nghề này và Đồng Tháp tiếp cận được nhiều nghiệp đoàn lớn cung cấp các bữa ăn sẵn cho nhà máy, bệnh viện… trên cả nước Nhật. Tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa công nhân vào làm việc ở lĩnh vực này để học nghề, sau này trở về phục vụ cho địa phương.
"Mình tiếp xúc để đưa lao động qua Nhật và kết nối để đưa nông sản địa phương đi theo. Mới đây, 2 tập đoàn chế biến thực phẩm của Nhật đến Đồng Tháp để khảo sát các loại nông sản thích ứng với hệ thống chế biến của họ. Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức cho những doanh nghiệp chuyên làm "câu chuyện" đó. Xưa giờ doanh nghiệp mình sản xuất đại trà, còn nay phải có những doanh nghiệp thu gom đầu mối và quy hoạch lại vùng nuôi, vùng trồng đúng với yêu cầu của Nhật" - ông Lê Minh Hoan cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng luôn trăn trở về cuộc sống của người dân tỉnh nhà
Cũng trăn trở vì dân như Bí thư tỉnh Đồng Tháp, tại hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp tổ chức mới đây ở tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, đề cập đến mô hình tôm - lúa, phía dưới khán phòng chăm chú theo dõi. Theo ông Trung, lâu nay sản lượng tôm trong lúa chưa được các ngành chức năng quan tâm, khoa học kỹ thuật cũng không vào mà để bà con tự "bơi". Giống cũng không quan tâm mà để bà con tự mua, tự sản xuất. "Cái này không được. Tôi cho đây là thiếu trách nhiệm với bà con. Từ nay, mỗi ấp nên có từ 1-3 mô hình và chính quyền cùng "nhào" vô làm với bà con để sau 2 năm phải tăng gấp đôi sản lượng tôm của vùng nuôi tôm - lúa" - ông Trung yêu cầu.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bây giờ về nông thôn sẽ thấy bà con bỏ xứ ra đi gần hết rồi. Nếu chúng ta không tác động khoa học, kỹ thuật vào thì làm sao tăng thu nhập cho bà con, làm sao họ đủ sống. "Chúng ta đều xuất thân từ nông dân. Vì thế, cán bộ kỹ thuật hãy ráng thêm một chút nữa thì sẽ giúp được rất nhiều cho bà con" - ông Trung nhắc nhở.
Bình luận (0)