Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 đặt sát hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Cần hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô. Qua đó, ủy ban này đề nghị TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ... trước khi trình Thủ tướng.
Về việc này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết ủng hộ chủ trương xây dựng dự án để đáp ứng yêu cầu giao thông đô thị của TP Hà Nội. Tuy nhiên, nơi đây là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan nên cần có giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Trong các văn bản gửi TP Hà Nội trước đó, Bộ VH-TT-DL đều yêu cầu TP chỉ đạo nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng. Việc này sẽ giúp nhà ga nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 (bao quanh vùng lõi) của di tích lịch sử hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, cho rằng TP đã thành công trong việc tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, làm nên sự hài hòa trong bức tranh đô thị. Nếu xây nhà ga C9 sẽ làm tăng lưu lượng người và phương tiện, mâu thuẫn với mục đích của việc tổ chức không gian đi bộ.
"Giới KTS đã nhiều lần có ý kiến đưa vị trí ga lùi xa hồ Hoàn Kiếm, có ý kiến đề nghị dịch chuyển về phía sông Hồng để tạo giá trị đô thị. Giải pháp này cũng bảo tồn tuyệt đối không gian đô thị khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm" - KTS Ánh cho biết.
Nhiều chuyên gia lo ngại ga ngầm C9 sẽ tác động đến di tích tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: THẾ HUỲNH
Không phạm luật?
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng việc bảo tồn di sản không chỉ là bảo tồn nguyên trạng. Trong quá trình bảo tồn vẫn có thể bổ sung các hoạt động để phát huy giá trị của di sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, thuyết minh tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu ít nhất khoảng
12 m, bảo đảm mức lún bề mặt thấp nhất (tối đa chỉ 10 mm), trong quá trình thi công, vận hành không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận. Trong giai đoạn vận hành tàu, hệ thống đường sắt chống rung sẽ giảm tối đa tiếng ồn và rung động. Theo tính toán của các chuyên gia tư vấn, mức ồn và rung động trong hầm sẽ nhỏ hơn 65 dB - trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép - và giá trị đó còn nhỏ hơn rất nhiều trên bề mặt đất nền.
Trước những lo ngại ga ngầm C9 sẽ ảnh hưởng đến di sản văn hóa, ông Nguyễn Cao Minh cho rằng theo Luật Di sản văn hóa, vị trí hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 không nằm trong vùng bảo vệ I (gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng). "Công trình hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa, không gây ảnh hưởng, sụt lún các công trình di sản. TP Hà Nội vẫn đang xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL theo quy định tại Luật Di sản với các công trình nằm trong khu vực bảo vệ II" - ông Minh khẳng định.
11,5 km tiêu tốn hơn 34.600 tỉ đồng
Nhà ga chính C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m và có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 10 m, tới Tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, Tháp Bút 36 m và đến vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)