Cùng ngày (10-8) xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở bãi biển thị xã Lagi, tại bãi biển Đá Ông Địa (phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng xảy ra 1 vụ đuối nước làm 1 người tử vong. Ghi nhận thực tế cho thấy công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi biển công cộng trên địa bàn Bình Thuận còn thủ công, sơ sài, nhân lực mỏng.
Lực lượng mỏng, thiếu công cụ
Ông Huỳnh Kim Trúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch (KDL) Hàm Tiến - Mũi Né, cho biết do nhân sự ít nên hiện khu vực này không có nhân viên cứu hộ, cứu nạn của đơn vị thường xuyên túc trực. Cũng do thiếu người, các khu bãi tắm Thương Chánh, Tiến Thành (TP Phan Thiết) cũng không có nhân viên cứu nạn, cứu hộ.
Theo bà Bùi Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý KDL Đồi Dương - Tiến Thành, không chỉ thiếu người, trang thiết bị cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ của đơn vị cũng khá thô sơ, nhân viên cứu hộ chỉ có phao và áo phao, không có phương tiện di chuyển trên biển cùng các dụng cụ y tế hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Ông Huỳnh Ngọc Tâm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thừa nhận: "Lực lượng cứu nạn, cứu hộ trên các địa bàn còn mỏng, thu nhập cũng rất thấp, song việc trả lương cho các lực lượng này thuộc thẩm quyền các địa phương. Sở đã nhiều lần đề nghị các địa phương cần quan tâm tăng cường lực lượng cứu nạn, cứu hộ ở các bãi biển".
Tại tỉnh Khánh Hòa, khu vực biển Bãi Dài, thuộc huyện Cam Lâm, dài khoảng 20 km được quy hoạch làm KDL cao cấp với hơn 40 dự án đang đầu tư tại đây. Trong đó, 7 dự án đã đi vào hoạt động. Khu vực này đã từng xảy ra vụ đuối nước khiến 4 người tử vong. Theo ông Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Ban Quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, thời gian tới, khu vực biển Bãi Dài sẽ có thêm hàng chục KDL đi vào hoạt động trong khi lực lượng cứu hộ ở đây khá mỏng và rất khó tuyển dụng. Ghi nhận thực tế ở nhiều KDL cho thấy chỉ có 1 hoặc 2 nhân viên cứu hộ trực, trong khi đó có hàng trăm du khách đang tắm biển.
Tại TP Nha Trang, bãi tắm ở đây dài khoảng 10 km, lực lượng cứu hộ dọc biển gồm 38 người nhưng chỉ có 2 môtô nước. Ban Quản lý vịnh Nha Trang "giải tỏa" bằng cách huy động thêm một số lực lượng cứu hộ của các tổ chức nhân đạo, đội thanh niên xung kích, đội cứu hộ, cứu nạn của các doanh nghiệp, câu lạc bộ lặn biển, các cơ sở dịch vụ du lịch biển... để hỗ trợ phương tiện, nhân sự nhắc nhở, hướng dẫn người dân và du khách vui tắm biển an toàn.
Bãi biển Đá Ông Địa (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thường xuyên xảy ra nhiều vụ đuối nước. Ảnh: VIỆT KHÁNH
Cần kiện toàn lực lượng
Để bảo đảm an toàn cho du khách ở các KDL ven biển, tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy chế phối hợp quản lý các hoạt động tại KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, trong đó giao Ban Quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, tổng hợp thông tin đặc thù thời tiết, dòng chảy, thời gian, tính chất các vụ đuối nước đã xảy ra để xây dựng các quy định về quản lý và tổ chức hoạt động thể thao, giải trí trên biển, thời gian tắm biển, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cung cấp dịch vụ thể thao giải trí trên biển... Đồng thời, phối hợp lắp đặt các biển quy định, cảnh báo khu vực nguy hiểm, hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; không để du khách, người dân tắm biển trong khu vực nguy hiểm, trẻ em tắm biển phải có người lớn quản lý, giám sát...
Ban Quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh đã thành lập lực lượng cứu hộ gồm 16 người với 2 môtô nước, 1 canô chuyên dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Loan, hiện việc tổ chức lực lượng cứu hộ rất khó khăn vì không có nguồn kinh phí trả lương. Những người đang làm việc hiện nay là làm bằng cái tâm để tránh tình trạng đuối nước cho người dân và du khách. Do đó, lực lượng này cần phải gấp rút kiện toàn.
Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết ngoài lực lượng mỏng thì phần lớn những trường hợp tử vong xảy ra khi tắm biển ngoài giờ quy định, không có mặt của lực lượng cứu hộ hoặc tắm tại những khu vực, thời gian cảnh báo nguy hiểm, một số người có sử dụng rượu, bia trước khi tắm hoặc cố ý tự tử.
Cứu hàng trăm người lọt vào ao xoáy
Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban Quản lý các KDL TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết lực lượng cứu hộ của TP Vũng Tàu hiện có 19 người, 3 y sĩ, 2 canô và hơn 10 thuyền kayak cứu hộ. Ngoài ra, còn có rất nhiều hệ thống cờ, phao quây cảnh báo, loa, còi hụ, chân vịt, phao cho lực lượng cứu hộ. Với những bãi tắm do các doanh nghiệp quản lý tại khu vực Bãi Sau cũng đầu tư trang thiết bị cho lực lượng cứu hộ. KDL Biển Đông hiện có 9 nhân viên cứu hộ với 1 canô lớn và nhiều canô trượt nước.
"Tất cả ao xoáy đều được cắm cờ đen cảnh báo, đánh dấu những vùng nguy hiểm. Ngoài ra, hằng năm, lực lượng cứu hộ được tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chuyên môn, thể lực để cố gắng bảo đảm tốt nhất cho du khách khi vui chơi, tắm biển tại các bãi tắm công cộng" - ông Tộ nói.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nhiều năm nay, Vũng Tàu hạn chế được tối đa việc du khách bị đuối nước, cứu sống hàng trăm người lọt ao xoáy, đuối nước.
Ng.Giang
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!