. Phóng viên: Trong việc thực hiện và bổ sung dự toán trợ giá xe buýt năm 2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) ban đầu đề xuất dự toán trợ giá xe buýt trong năm là 1.720 tỉ đồng. Cơ sở nào để đưa ra mức dự toán này?
Ông TRẦN CHÍ TRUNG
- Ông TRẦN CHÍ TRUNG: Theo chương trình đột phá của TP HCM về giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, trong đó có mục tiêu tăng cường vận tải hành khách công cộng (HKCC), giảm xe cá nhân thì tới năm 2020 phải đạt được từ 15%-17% vận tải HKCC bằng xe buýt và taxi. Trên cơ sở này, Sở GTVT xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, trong đó có nhiều mục tiêu như mở rộng mạng lưới xe buýt, tổ chức làn đường ưu tiên, đồng thời đến năm 2020 tại TP phải có từ 200 đến 220 tuyến xe buýt. Vào thời điểm lập kế hoạch này, TP đang có 105 tuyến xe có trợ giá.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Trung tâm và Sở GTVT lên phương án cụ thể trong việc tăng các tuyến xe buýt của từng năm. Trong đó, năm 2018, theo kế hoạch sẽ mở thêm 21 tuyến xe, đồng thời dựa trên định mức đơn giá hiện hữu cùng các chi phí liên quan thì lập dự toán kinh phí trợ giá trong năm là 1.720 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi chuyển các hồ sơ qua Sở Tài chính thì sở này chỉ thống nhất 1.000 tỉ đồng do "mặc định" như tình hình trợ giá những năm liền kề, không đồng bộ với kế hoạch phát triển giao thông công cộng mà Sở GTVT nêu ra theo định hướng trước đó. Với mức trợ giá này thì trong năm không thể mở mới 21 tuyến xe và đã loại ra khỏi kế hoạch.
. Theo Luật Ngân sách, Sở GTVT phải phê duyệt dự toán kinh phí đặt hàng vào ngày đầu năm. Vậy tại sao năm 2018, phải đến ngày 15-8, Sở GTVT mới ban hành quyết định về phê duyệt dự toán kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải HKCC bằng xe buýt để làm cơ sở ký hợp đồng thương thảo đặt hàng?
- Trong số 1.000 tỉ đồng tiền trợ giá năm 2018 thì buýt phổ thông chiếm 821 tỉ đồng, 101 tỉ đồng cho kinh phí dự phòng thay đổi nhiên liệu, còn lại là đưa rước học sinh - công nhân, phí cầu đường, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện… Do trợ giá xe buýt được tính bằng tổng chi phí chuyến xe trừ doanh thu bán vé, vì vậy khi doanh thu tăng, đồng nghĩa mức trợ giá sẽ giảm và ngược lại.
Do đó, với 821 tỉ đồng, Sở GTVT phải cân đối trong điều kiện chi phí thực tế cao hơn nhiều so với năm 2017 và gần 1.200 xe buýt mới vừa được đầu tư. Từ đó, phương án đưa ra là phải tăng doanh thu bán vé. Mà doanh thu bán vé lại được tính bằng sản lượng nhân với đơn giá vé, trong khi đơn giá vé vốn ổn định thì chỉ còn cách tăng sản lượng. Phương án lúc đầu đưa ra là khoán sản lượng cao, so với thực tế năm 2017 lên tới 40%. Với mức này, tất cả các đơn vị vận tải đều không đồng ý, dẫn đến kéo dài thời gian lập dự toán kinh phí đặt hàng và ký hợp đồng thương thảo đặt hàng.
UBND TP HCM chỉ chấp thuận bổ sung trợ giá xe buýt năm 2018 thêm 123 tỉ đồng, trong khi đề xuất ban đầu của Sở Giao thông Vận tải TP là 330 tỉ đồng. Ảnh: GIA MINH
. Tính toán kỹ vậy nhưng vì sao lúc đầu xin bổ sung thêm 330 tỉ đồng trợ giá, sau đó giảm còn 168 tỉ đồng và cuối cùng Sở Tài chính chỉ thống nhất 123 tỉ đồng?
- Việc xin bổ sung thêm 330 tỉ đồng là dựa trên số chuyến kế hoạch, số lượng xe buýt mới và dự kiến mở thêm 3 tuyến xe. Đồng thời, sau nhiều lần làm việc, các đơn vị vận tải chỉ chấp nhận mức khoán doanh thu tăng 20% so với thực tế, dẫn đến doanh thu đặt hàng năm 2018 giảm so với doanh thu khoán của năm 2017 và buộc phải tăng trợ giá. Từ những yếu tố này, sau khi tính toán thì ra con số 330 tỉ đồng.
Còn tại sao giảm xuống 168 tỉ đồng? Đó là được tính trên số chuyến thực tế, không còn như số chuyến kế hoạch bởi đã đến thời điểm cuối năm, xe thực tế nghiệm thu bao nhiêu chuyến thì tính đúng theo bấy nhiêu chuyến.Đồng thời, nhiên liệu cũng được cập nhật lại, thay vì trước đó tính theo số chuyến kế hoạch thì hiện tính theo thực tế. Sau đó, khi tiếp tục cập nhật theo số chuyến thực tế thì mức xin bổ sung giảm xuống. Hiện UBND TP chỉ chấp thuận bổ sung 123 tỉ đồng cho trợ giá xe buýt năm 2018.
. Vấn đề chậm quyết toán từ năm 2011 đến năm 2016 khiến dư luận bức xúc, ông giải thích thế nào?
- Năm 2017 hiện đã trình quyết toán, còn từ năm 2011 đến 2016, do tồn đọng nên hiện chúng tôi đang thuê đơn vị kiểm toán độc lập. Trong đó đã có kết quả kiểm toán từ năm 2011 đến 2014 và hiện đã có dự thảo. Lý do khách quan của việc chậm quyết toán là do bị thanh tra liên tục các năm từ 2012 đến 2016. Về nguyên tắc, trong thời gian thanh tra thì chưa làm quyết toán được bởi phải chờ kết luận thanh tra mới đưa vào quyết toán.
Đặc biệt, tháng 10-2016 sau khi Thanh tra TP có kết luận toàn diện về hệ thống xe buýt của các năm thì có 8 nội dung và hiện đã thực hiện được 7 nội dung, có vấn đề gì thì cũng đã thu hồi tiền nộp lại ngân sách theo đúng quy định. Sau khi ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán vào năm 2017, do tồn đọng nhiều năm nên khối lượng rất lớn, hiện đã có dự thảo và theo kế hoạch là 6 tháng đầu năm 2019 sẽ trình hết những nội dung này.
Liên quan đến những tồn tại trong việc trợ giá xe buýt, chiều 20-12, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong thời gian tới sẽ nghe các đơn vị liên quan báo cáo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-12
Bình luận (0)