xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo thảm họa từ tàu thủy cao tốc

GIA MINH - THÀNH ĐỒNG

Đưa vào hoạt động chưa lâu, tàu cao tốc tuyến Bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu đã bị phá nước chìm dần, khiến nhiều người lo ngại về mức độ an toàn của loại hình này

Vào khoảng 8 giờ 35 phút ngày 8-4, tàu cao tốc Greenlines DP chở 42 hành khách từ Vũng Tàu về gần đến bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ, TP HCM) thì chìm dần. Đây là một phương tiện thuộc tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy từ trung tâm TP HCM đi Cần Giờ rồi Vũng Tàu, vừa đưa vào hoạt động chính thức hôm 10-2.

Bất lực nhìn tàu chìm dần

Chiếc tàu bị sự cố mang số hiệu Greenlines DP C3, có sức chở 50 hành khách và thời điểm vụ việc xảy ra, trên tàu có 42 hành khách. Bà Nguyễn Thị Lan, một hành khách trên chuyến tàu này, kể thời điểm sự cố xảy ra, hầu hết những hành khách bên trong đều không hay biết. Thế nhưng, khi tàu quay đầu để neo vào bến Tắc Suất thì bắt đầu rung lắc và chao đảo. "Các nhân viên trên tàu lúc đó phải kêu hành khách di chuyển qua lại giữa 2 bên nhằm giữ cân bằng. Sau đó, chúng tôi được thông báo lên bờ theo lối thoát hiểm phía trước" - bà Lan kể. Bà nghi ngờ vì sao trên tàu có hệ thống cảnh báo hành khách mặc áo phao khi gặp chuyện nhưng khi sự cố xảy ra thì lại không thấy báo?

Cũng theo bà Lan, sau khi hành khách lên bờ, nước tràn vào rất nhanh trong khoang tàu, ngập quá thân ghế ngồi. Tuy nhiên, công tác cứu hộ tại bến Tắc Suất lúc này rất hạn chế nên tất cả những người có mặt đều bất lực nhìn tàu chìm dần.

Lo thảm họa từ tàu thủy cao tốc - Ảnh 1.

Tàu Greenlines DP C3 chìm dần ở bến Tắc Suất sáng 8-4 Ảnh: GIANG ANH

Theo ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (Greenlines DP, chủ đầu tư tuyến vận tải trên), chiếc tàu xảy ra sự cố trước khi xuất bến tại Vũng Tàu đã được kiểm tra kỹ, hoàn toàn bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong số 42 hành khách thì có 28 người mua vé về Cần Giờ và những người còn lại về trung tâm TP HCM. Khi tàu di chuyển gần tới Cần Giờ, thuyền trưởng gài số để quay tàu, chuẩn bị cập bến thì không được. Sau đó, thủy thủ tàu xuống phòng máy kiểm tra thì phát hiện nước đang xối xả tràn vào bên trong. "Trên tàu có hệ thống tự động cảnh báo hành khách mặc áo phao khi xảy ra sự cố nhưng chưa tới giai đoạn này thì tàu đã cập bến an toàn" - ông Hải cho biết (!?).

Cũng theo ông Hải, qua đánh giá sơ bộ, nguyên nhân dẫn đến sự cố này có thể do một chướng ngại vật dưới sông đã va chạm vào bên trong vách của tàu. "Tàu có 2 thân và phần giữa có 2 vách nên nhiều khả năng bị va chạm tại những vách này" - ông Hải nhận định và nói muốn biết nguyên nhân cụ thể thì phải đợi các cơ quan chức năng hữu trách làm rõ.

Ngưng hoạt động để trục vớt và xác minh

Vào chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã có mặt tại hiện trường và yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý sự cố. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, lo ngại nguy cơ tràn dầu từ chiếc tàu bị sự cố và để bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại bến Tắc Suất nên yêu cầu phía chủ đầu tư phải trục vớt nhanh. Đặc biệt, ông Lâm đề nghị ngưng hoạt động bến Tắc Suất cho đến khi công tác trục vớt hoàn thiện. Đồng thời, qua sự việc này, ông Lâm cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở GTVT tăng cường kiểm tra các điều kiện kỹ thuật trước khi cho phương tiện xuất bến.

Trên địa bàn TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến tàu chở khách hoạt động đường thủy. Điển hình như vụ chìm tàu trên biển Cần Giờ làm 9 người chết hồi năm 2013. Cơ quan điều tra kết luận tàu số hiệu BP 12-04-02 chỉ có tải trọng chở được 12 người nhưng thời điểm xảy ra tai nạn ngày 2-8-2013, phương tiện này chở tới 30 người rồi bị sóng đánh chìm. Hay trước khi bị dừng hoạt động thì hàng loạt tai nạn cháy nổ và chìm đã xảy đến với các tàu cao tốc cánh ngầm thuộc tuyến TP HCM - Vũng Tàu (tiền thân của tuyến TP HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu hiện tại), gây lo sợ cho hành khách.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thủy, số vụ tai nạn liên quan đến các phương tiện chở khách bằng đường thủy không nhiều như đường bộ nhưng mức độ nghiêm trọng thường lớn hơn rất nhiều. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân như phương tiện không phù hợp trên tuyến. Đặc thù của đường thủy là chịu nhiều tác động bởi thời tiết như mưa bão, thủy triều hay như sự khan cạn vào mùa khô... Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và mức độ an toàn giao thông của tuyến luồng, phương tiện.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Phòng CSGT Đường thủy Công an TP HCM, vụ việc trên hiện chưa thể đánh giá được hết mức độ an toàn của các tuyến tàu cao tốc bởi khi hình thành tuyến, việc đăng ký, kiểm định..., đều thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến sông như Sài Gòn, Soài Rạp..., thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Cụ thể như tình trạng hoạt động tự phát làm ảnh hưởng đến luồng tuyến, phương tiện không đủ tiêu chuẩn an toàn... Chưa kể, Phòng CSGT Đường thủy cũng cho biết các loại tàu thuyền cũng có nhiều chủng loại, kiểu dáng nên việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật rất khó khăn. 

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, Greenlines DP C3 do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và có thời hạn đến hết 22-9-2018.

Có thật là do va chướng ngại vật dưới sông?

Có kinh nghiệm nhiều năm ở lĩnh vực du lịch đường thủy, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, khẳng định tuyến sông Sài Gòn, Soài Rạp... hầu như không có đá ngầm hay các chướng ngại vật lớn.

Những sự cố xảy ra tại những luồng tuyến này chủ yếu do tàu chết máy, va đụng nhau hoặc chở quá tải, còn trường hợp như chủ tàu Greenlines DP nói bị va vào vật cản dưới sông là việc khá hy hữu. Vì vậy, ông Mỹ cho rằng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định chướng ngại vật nhằm tránh xảy ra trường hợp tương tự.

G.Minh

Chìm tàu cá, 8 ngư dân rơi xuống biển

Ngày 8-4, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Trung tâm III) phối hợp với lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm 2 ngư dân còn lại của tàu BV 95209 TS bị sóng cuốn trôi trên vùng biển Vũng Tàu.

Vào khoảng 21 giờ ngày 7-4, Trung tâm III nhận được thông tin tàu BV 95209 TS khi đang hoạt động trên biển đã bị phá nước do sóng to, trên tàu có 8 ngư dân. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tàu cứu hộ cứu nạn SAR 413 được điều động phối hợp với các phương tiện, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Đến 22 giờ 15 phút cùng ngày, lực lượng cứu nạn tại hiện trường đã phát hiện, cứu vớt lên tàu 6 ngư dân và sơ cứu y tế ban đầu.

B.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo