Theo kế hoạch vừa được UBND thành phố ban hành, Hà Nội đặt các mục tiêu phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại cấp xã, thành phố đến năm 2025. Bên cạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại như 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử, bản tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân… Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Việc Hà Nội bất ngờ đưa ra kế hoạch mà theo đó sẽ khôi phục hệ thống loa phường khiến không ít người ngạc nhiên. Loa phường vốn là một phương tiện truyền thông cấp cơ sở hình thành từ những năm chiến tranh, kéo dài sang thời kỳ bao cấp và phát triển sau này. Khi ấy, các phương tiện truyền thông còn rất hạn chế, hệ thống loa phường đã phát huy vai trò, hiệu quả rất tốt, từ tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật... nhất là những thông tin hữu ích, sát sườn với người dân còn thiếu thông tin.
Tuy nhiên, khi đời sống ngày càng khấm khá lên, xã hội cũng ngày càng phát triển với sự xuất hiện của nhiều loại hình thông tin đa dang, phong phú để cung cấp thông tin cần thiết cho người dân thì loa phường dần mất vai trò. Thậm chí nó trở thành nỗi ám ảnh với không ít người dân, nhất là những người phải làm ca đêm hay nhà ở gần nơi đặt loa.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người có ý kiến, phản ứng với loa phường, Hà Nội vào tháng 8-2017 đã cho dừng phát loa phường tại 4 quận trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, ngoại trừ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của trung ương và thành phố. Tháng 10-2018, khi Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến người dân về "sứ mệnh" loa phường, lãnh đạo thành phố lúc đó đã cho rằng loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.
Thế nên, việc Hà Nội lên kế hoạch cho loa phường tái xuất đã gây xôn xao dư luận, trong đó đa phần người dân tỏ ra không đồng tình. Họ cho rằng đây là điều không cần thiết, lãng phí, tốn kém mà không hiệu quả, quan trọng nhất là đi ngược xu thế. Khi Hà Nội cùng cả nước đang thực hiện việc chuyển đổi số thời 4.0, hầu hết các gia đình và người dân đều đã có các thiết bị cầm tay thông minh. Các thông tin cần thiết chỉ cần đưa lên các nền tảng xã hội là các gia đình, mỗi người dân đều biết.
Loa phường, vì thế, liệu có cần thiết và phù hợp với 4.0, chuyển đổi số?
Bình luận (0)