Chứng chỉ thực hành là một trong những xác nhận quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ. Từ đó, sức khỏe và kể cả sinh mạng của nhiều bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào tay nghề của những người này. Không thực hành một ngày vẫn được cấp chứng chỉ, thật khó tưởng tượng họ hành nghề như thế nào và không dám hình dung những bệnh nhân tương lai khi đến với họ sẽ ra sao...!
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi một bệnh viện khu vực lớn của Tây Nguyên mà có thể dễ dàng sai phạm như thế, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho cả cộng đồng. Một phần vụ việc được hé lộ khi những bác sĩ trên cho biết họ đã chi vài trăm triệu đồng để có được chứng chỉ hành nghề. Vậy là câu chuyện dường như không chỉ liên quan riêng bệnh viện mà còn xa hơn, là cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề - Sở Y tế.
Nghề y từ bao đời vốn luôn được vinh danh và có vị trí trang trọng trong lòng người dân của mỗi quốc gia. Nghề này có những quy định nghiêm ngặt và luôn đòi hỏi sự hy sinh cao cả của người hành nghề. Dù là một y tá, điều dưỡng hay bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư... cũng đều chung một mục đích là vì sức khỏe, sinh mạng của người dân, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Ở nước ta, hằng ngày hàng vạn y - bác sĩ miệt mài chữa trị cho người bệnh, thậm chí họ phải quên đi hạnh phúc cá nhân. Trong khi dịch bệnh đang diễn ra, chúng ta luôn nhìn thấy rõ ràng sự tận tâm của bao tấm gương "blouse trắng", có trường hợp đánh đổi cả tính mạng của bản thân để giành giật sự sống cho người bệnh.
Chúng ta cũng không viển vông tin rằng bất cứ ai khoác blouse trắng đều là thiên thần. Sự tinh khiết của nghề nghiệp cần trải qua thử thách, rèn luyện và cả sự gạn lọc. Những mưu cầu vật chất trái với lợi ích của bệnh nhân và y đức cần phải bị loại bỏ bằng cơ chế giám sát, chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Vụ việc kể trên, khó ai dám tin là cá biệt, nó còn quá nhiều ẩn khuất đằng sau những chứng chỉ được cấp. Ai là người nhận tiền để cấp chứng chỉ hành nghề? Sai phạm này có phải chỉ đơn giản là do sự thiếu sâu sát của một số cán bộ bệnh viện? Vì sao chứng chỉ thực tập chấn thương chỉnh hình nhưng lại được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề giải phẫu thẩm mỹ?...
Những câu hỏi đó cũng cần đặt ra ở nhiều bệnh viện khác, nhiều địa phương khác. Thuốc ung thư giả được cấp phép nhập khẩu, người bệnh chết oan ức trong cơ sở y tế, nâng khống giá thiết bị đưa vào bệnh viện... là những việc đã từng xảy ra. Sự chấn chỉnh luôn rất cần thiết và phải tiếp tục tìm ra, ngăn chặn những người thiếu chuyên môn đang mạo hiểm sức khỏe của người bệnh để kiếm lợi và cả những người tiếp tay làm vẩn đục chiếc áo thiên thần.
Bình luận (0)