Chuyên gia kỹ thuật hàng không Nguyễn Thiện Tống nhận định nhu cầu hàng không dân dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu chưa cao và chưa được xác định. Vì vậy trong tờ trình của Cục Hàng không Việt Nam năm 2015, Cảng Hàng không Vũng Tàu mới được xây dựng tại Gò Găng.
Sân bay Gò Găng khó vốn
Sân bay Gò Găng không có nhu cầu khai thác hàng không dân dụng thường lệ mà chỉ phục vụ chính cho công tác hậu cần, dịch vụ dầu khí, huấn luyện và đào tạo phi công, phục vụ công tác quốc phòng...
Vị trí xây dựng sân bay mà Hồ Tràm khảo sát gần với nhà máy xử lý rác (khoanh tròn).Ảnh: NGỌC GIANG
Tuy nhiên, theo ông Tống, trong tình hình ngân sách eo hẹp thì khả năng nhà nước đầu tư cho sân bay Vũng Tàu mới tại Gò Găng là một nghi vấn lớn. Chủ trương là sử dụng nguồn vốn từ việc bán đấu giá quỹ đất tại sân bay hiện hữu để bổ sung xây dựng sân bay Gò Găng.
Theo tính toán, kinh phí xây dựng sân bay này vào khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, việc xây dựng sân bay mới và di dời sân bay hiện hữu không có nhiều chuyển biến nên dự án sân bay Gò Găng sẽ rất chậm được thực hiện và có thể nói là không khả thi.
Lợi nhiều hơn với sân bay Lộc An
Ngược lại, nếu xét về nhu cầu và kinh phí đầu tư, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng dự án sân bay Lộc An khả thi hơn. Theo ông, sân bay này phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng không cho khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm, quy mô đáp ứng tiêu chuẩn cảng hàng không 4C. Xét về kinh phí đầu tư, ước tính khoảng 4.250 tỉ đồng để xây sân bay, hoàn toàn do Công ty Hồ Tràm bỏ ra. Vì vậy, theo ông Tống, nhu cầu của dự án là có và nguồn lực đầu tư cũng khả thi hơn việc xây sân bay Gò Găng.
Riêng sân bay Lộc An, khi xây dựng nên phát triển thành cảng hàng không nội địa cấp 4C do Công ty TNHH Hồ Tràm đầu tư nhưng với sự quản lý của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. "Như vậy sẽ không có chuyện điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại sân bay Lộc An. Bên cạnh đó, với sự phát triển của cảng hàng không dân dụng nội địa cấp 4C này, chủ đầu tư sẽ thu được lợi thêm từ hành khách bên ngoài khu du lịch phức hợp, trong khi người dân cũng được hưởng lợi từ dịch vụ hàng không của sân bay Lộc An, đó là chưa kể những tác động kinh tế - xã hội mà hoạt động hàng không và du lịch mang lại cho tỉnh và vùng lân cận" - ông Tống nhìn nhận.
Vì vậy, quan điểm của ông Tống là dự án sân bay Gò Găng có thể hủy vì khó khả thi. Còn với sân bay Vũng Tàu hiện hữu, ông cho rằng nên duy trì và chỉ sử dụng cho trực thăng để có thể thu hẹp lại và không ảnh hưởng về tĩnh không quanh sân bay.
Vị trí không phù hợp vẫn làm
Ngày 24-5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc họp với Công ty TNHH Hồ Tràm để thống nhất lại vị trí xây dựng sân bay Lộc An (huyện Đất Đỏ). Quan điểm của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thống nhất về chủ trương, tuy nhiên, vị trí mà công ty khảo sát hiện vướng quy hoạch khu xử lý chất thải. Theo đó, vị trí khu xử lý cách khu vực sân bay nơi gần nhất là 190 m, xa nhất là 350 m. Với khoảng cách này, việc xây dựng sân bay sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (phải cách trên 1 km), tỉnh yêu cầu công ty chọn vị trí khác.
Công ty Hồ Tràm không đồng ý tìm địa điểm mới bởi mỗi lần khảo sát vị trí mất nhiều thời gian. Công ty cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và không khiếu nại nếu có vấn đề phát sinh từ khu xử lý rác. Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sẽ có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc này.
200 ha đất thì không phải lớn!
Đó là khẳng định của ông Lâm Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồ Tràm, khi phóng viên nêu vấn đề muốn thực hiện dự án phải thu hồi đất sản xuất của dân để xây sân bay, dự kiến 224 ha. Theo ông Quý, vùng đất này không mang lại giá trị sản xuất nông nghiệp lớn. Bên cạnh đó, việc người dân có đồng ý di dời hay không phụ thuộc chính sách giữa nhà nước và công ty. "Phải có chính sách hỗ trợ tốt cho họ. Khi người dân thỏa mãn các yêu cầu và cảm thấy người ta có lợi thì họ sẽ nhường lại đất cho mình để làm dự án" - ông Quý nhận định.
Bình luận (0)