Ngày 4-10, ông Lê Bá Thuận, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết dự án nạo vét vật liệu xây dựng bồi lắng ở hồ Suối Trầu do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa thực hiện đã diễn ra 3 năm nay vẫn chưa xong. Việc khai thác, nạo vét lại sai thiết kế, không cắm mốc, tùy tiện nên địa phương khó giám sát.
Không ai giám sát
Theo ông Thuận, về nguyên tắc, khi cải tạo, nạo vét thì phải cắm mốc, có camera giám sát, có hồ sơ phương án, tiến độ để địa phương có căn cứ giám sát việc nạo vét có đúng hay không. Tuy nhiên, ở dự án này, đơn vị thi công cứ "nắng thì làm, mưa nghỉ". Không những trễ tiến độ, việc triển khai thực hiện được đơn vị thi công làm rất tùy tiện. "Trách nhiệm giám sát là của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh khi ra giấy phép nhưng không giám sát gì, để đơn vị thi công muốn làm sao thì làm" - ông Thuận bất bình.
Tại khu vực hồ Suối Trầu, việc nạo vét hết sức khó hiểu vì những hố đất loang lổ được tạo thành do hoạt động khai thác đất. Có nơi nạo sâu xuống 3-4 m, cũng có nơi chỉ sâu 1 m. Theo người dân địa phương, đất từ hồ có thể dùng để sản xuất gạch xây dựng. Còn đơn vị quản lý là Công ty Thủy lợi Khánh Hòa thì cho rằng do thời tiết không thuận lợi nên nạo vét được khoảng 40% so với phương án được duyệt. Dù việc nạo vét có nhiều vấn đề nhưng ngày 10-8, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đồng ý cho phép gia hạn việc nạo vét vật liệu xây dựng bồi lắng đến ngày 31-12-2018.
Điều đáng nói, trước đó, ngày 3- 4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó yêu cầu tạm dừng việc cấp phép mới các hoạt động khai thác khoáng sản và tăng cường quản lý việc khai thác quản lý cát, đất, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Còn tại khu vực sông Cái đoạn từ huyện Khánh Vĩnh đến TP Nha Trang, mặc dù cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép khai thác cát cho 3 đơn vị nhưng qua nhiều lần đi thực tế, chúng tôi nhận thấy việc khai thác trái phép hết sức rầm rộ, công khai.
Hoạt động nạo vét tận thu vật liệu xây dựng đang bị biến dạng tại hồ Suối Trầu, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa
Không biết khi nào uống nước sông!
Trước đó, các đoàn giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa khi thực hiện giám sát công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhận thấy các giấy phép khai thác cát hiện mỗi năm chỉ cung cấp ra thị trường hơn 700.000 m3, trong khi điều tra nhu cầu thực tế đến 2 triệu m3/năm. Đại biểu Nguyễn Ngô, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, đặt vấn đề 2/3 lượng cát còn lại lấy từ đâu? Có phải từ hoạt động khai thác cát trái phép?
Mới đây, khi trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên - môi trường với các địa phương đã phân công rõ trách nhiệm, nhưng để đồng bộ đạt hiệu quả cao thì chưa làm được.
Theo ông Thái, nhiều biện pháp đưa ra để chặn khai thác cát trái phép như áp dụng luật đường thủy đối với phương tiện lưu thông không giấy phép cũng rất khó. "Tôi thực hiện rất nhiều việc theo quy chế nhưng chồng chéo. Có phân công nhiệm vụ hẳn hoi nhưng khi xảy ra sự việc thì lúng túng. Cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tôi cũng đau đầu lắm. Đi đêm về hôm nhiều lần rồi nhưng chưa biết ngày nào nó cho mình uống nước sông thôi" - ông Thái phân trần.
Lập đoàn kiểm tra
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh gồm 29 người là đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, do phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải làm trưởng đoàn. Thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 2-10 đến 30-12-2018. Địa điểm kiểm tra gồm: TP Nha Trang và Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa cùng các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Vạn Ninh.
Bình luận (0)