Để những cuộc kháng chiến thành công, thống nhất đất nước, biết bao người đã quên mình chiến đấu, hy sinh. Trong cuộc chiến đó, những tình cảm nhớ nhung sau bao xa cách đều phải nén lòng vì sự nghiệp chung. Bà nội tôi là một trong những người như thế. Bà là Trần Thị Điểm (tên thời kháng chiến là Trần Thị Thủy Ngân) - nguyên Trưởng ngành giáo dục huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Truyền thống yêu nước của gia đình
Bà sinh ra trong một gia đình nông dân ở Quảng Nam. Cha bà là cụ Trần Trực. Năm 1908, cụ tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng, bị lính Pháp bắt giam ở phủ đường Tam Kỳ cùng nhiều người yêu nước. Cụ bị trói chân tay, đóng cọc phơi nắng, bỏ đói, hành hạ nhưng vẫn bền gan, cương quyết đấu tranh.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà có thể gói gọn trong những từ "gian khổ" và "xa cách". Cũng như nhiều người khác, bà hoạt động gian khổ và xa cách chồng gần 20 năm, song đến bây giờ bà nhắc lại những kỷ niệm đó cho con cháu và dùng tinh thần cách mạng của mình để giáo dục con cháu, truyền lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ông nội tôi khi đó công tác ở Huyện ủy Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông bà cưới nhau chỉ vội vã trong một buổi, không có giấy đăng ký kết hôn như bây giờ, và từ đó ông bà phải xa cách. Lúc sắp chia tay, ông nói với bà: "Anh sẽ chuyển vùng hoạt động, nếu không có dịp về được thì hai năm sau chúng mình gặp nhau nhưng đối với tất cả mọi người thì em nói là anh đi tập kết".
Bà Trần Thị Điểm, bà nội của tác giả
Kể từ đó, ông bà hoạt động ở hai đầu đất nước, ông tập kết ra Bắc còn bà hoạt động ở trong miền Nam. Là người phụ trách ngành giáo dục cách mạng ở Kiên Giang, bà đã dành gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng để tuyên truyền, lan tỏa tinh thần đầu tranh cách mạng cho chiến sĩ, người dân, làm suy yếu chính quyền Sài Gòn trên mặt trận tư tưởng. Những nỗ lực của bà trên mặt trận ấy đã góp phần vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam.
Nội tôi nhớ lại lúc bị bắt vào tù, bà tỏ rõ tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Bà đã bị đánh đập dã man, bị trói hai cánh tay ra sau, bị bắt đứng lên trên bàn rồi rút dây treo lơ lửng giữa nhà, đêm nào cũng bị tra tấn đến sáng. Bà bị tra tấn đến nỗi mặt mũi da thịt biến thành màu tím bầm nhưng bà vẫn một mực kiên gan, nói: "Chồng tôi đi tập kết, tôi không làm gì".
Không ngại gian khổ, hy sinh
Được thả, bà cùng cán bộ các ngành của xã làm đủ mọi việc: vận động xây trường, lớp học bình dân, họp phụ nữ vận động ra nội thành đấu tranh chính trị, họp nông hội, du kích, tòng quân, đảm phụ kháng chiến, kể cả y tế, hộ sinh, việc gì cũng làm. Đến mùa khô, dân thu hoạch lúa bà cũng đi gặt với họ để tiện bề tuyên truyền, truyền lửa cách mạng cho nhân dân. Bà còn đi dự lớp hộ sinh, tham gia đỡ đẻ cho phụ nữ ở địa bàn công tác.
Song song với các phong trào văn hóa, giáo dục, binh vận, phong trào đấu tranh chính trị lên cao, bà đã là người chủ chốt cùng chị em phụ nữ xã Vĩnh Hòa tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị kéo ra đồn bót giặc đưa yêu sách đòi chúng không được bắn phá, đổ quân đi càn để bà con làm ruộng. Sáng hôm đó, khoảng 50 xuồng với hơn 100 người bơi ra đồn để kéo vào cổng. Lính gác ngăn lại, chị em xô đẩy nhau vào gần hết. Lính trong đồn phải chấp nhận yêu sách của bà con, không bắn phá bừa bãi nữa.
Bất cứ lúc nào bà cũng cố gắng tuyên truyền cho người dân về cách mạng, về Bác Hồ vĩ đại. Bà thường nói với người dân và cả bọn lính chính quyền Sài Gòn: "Tôi ở Bắc di cư vào, tưởng dân theo ông Ngô Đình Diệm thì sung sướng, ai dè cực như thế này còn ai theo nữa".
Hai mươi năm, quá dài đối với một đời người trong thời chiến. Ngày 20-1-1974, bà và ông tôi đã được gặp nhau. Được cấp trên cho ra Bắc chữa bệnh, bà đã theo đường dây hợp pháp lên Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh, nhập chuyến ra Hà Nội. Bà đã được gặp lại chồng con, một hạnh phúc quá lớn sau bao năm phải xa nhau.
Trong đời hoạt động cách mạng, bà luôn một lòng trung thành với Tổ quốc. Ngay cả khi con trai bị thương nặng, bà vẫn quyết tâm bám trụ hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó. Thời gian xa cách dài đằng đẵng, bà chưa lúc nào thiếu lòng tin về lòng chung thủy của ông và tinh thần chiến đấu của con trai. Bà đã đấu tranh vượt qua bao thử thách, làm tròn bổn phận của một cán bộ, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một người vợ, một người mẹ hết lòng thương yêu, chung thủy với chồng con.
Vui vì làm điều tốt đẹp cho đời
Sau ngày sum họp gia đình, bà tôi được tổ chức bố trí đi chữa bệnh, an dưỡng. Sau đó bà được điều về làm việc tại Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) và chuyển sang Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương công tác cho đến khi nghỉ hưu. Bà vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy hiệu 40 năm, 50 năm và 55 năm tuổi Đảng.
Ảnh chụp gia đình của tác giả, ông và bà nội tác giả ngồi ngoài cùng bên trái
Về hưu, bà tôi vẫn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương, như Hội phụ nữ phường Quan Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội; Hội phụ nữ phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội; CLB Sức khỏe ngoài trời quận Ba Đình. Bà là một trong những người tích cực nhất của phụ nữ phường trong việc vận động chăm lo cho phụ nữ nghèo và các cháu thiếu nhi. Bà kể lại những lần đi vận động từng nhà, gom góp từng đồng và đồ đạc để giúp đỡ người dân, phụ nữ yếu thế và may quần áo cho các cháu thiếu nhi. Bà nói đó là những ngày tháng tuyệt vời khi được làm điều có ích giúp cho mọi người. Bà nhớ lại với niềm xúc động. "Hồi đó bà đi nhờ một số người có điều kiện kinh tế khá giả và họ đã giúp được nhiều lần. Dù số tiền không lớn, chỉ vài triệu đồng nhưng 20 năm trước nó cũng có giá lắm, đủ giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn lúc đó vượt qua khó ngặt, các cháu thiếu nhi nghèo có những bộ quần áo tươm tất, ấm áp hơn".
Ngoài các hoạt động trên, bà còn hoạt động tích cực trong các sinh hoạt CLB, tổ chức dạy Thái cực quyền cho nhiều cán bộ hưu trí và người dân trong địa bàn, giúp họ tăng cường sức khỏe. Bà kể, bản thân đã nhận được nhiều giấy khen của phường, quận, thành phố nhưng không nhớ hết, vì bà luôn tâm niệm mình giúp người khác, không phải vì được khen hay thành tích.
Nhìn lại chặng đường của bà, tôi nhận ra bà chính là tấm gương lớn nhất trong tôi về sống tốt, sống đẹp. Tôi tự hào là cháu của bà và nhủ lòng phải sống tốt, sống có ý nghĩa để không phụ lòng tin bà dành cho cháu, luôn dặn dò con cháu sống thật ngay thẳng, tử tế giữa đời.
Vận động nhiều học sinh thoát ly, tham gia cách mạng
Cấp trên giao cho bà nội tôi nhiệm vụ quan trọng là đào tạo cán bộ cho cách mạng vì vùng giải phóng rộng dần, phải có trường cho các em học, có học mới có cán bộ sau này. Trong quá trình dạy học, bà đã vận động được nhiều học sinh thoát ly, tham gia cách mạng.
Từ giữa năm 1964 đến giữa năm 1965, quân dân ta đánh mạnh tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hỏng hầu hết ấp chiến lược, khu dồn dân, giải phóng rộng vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, áp sát địch đến tận quốc lộ, thị xã, thành phố. Thời điểm này, chúng ta đã mở rộng công tác giáo dục, bổ túc văn hóa cho nhân dân, tuyên truyền cho bà con để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Vừa dạy học, bà vừa tăng cường xuống dân tuyên truyền vận động tổ chức học tập, xây dựng nhà cửa trường lớp giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ. Những hoạt động giáo dục, tuyên truyền của bà đã nâng cao văn hóa và lòng yêu nước cho nhân dân, góp sức cho cuộc kháng chiến thành công, thống nhất đất nước.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)